Theo trang mạng moderndiplomacy.eu, trong chuyến thăm Liban vừa qua, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã một lần nữa cho thấy rằng việc cải thiện mối quan hệ với các đối thủ Trung Đông không giúp các bên khỏa lấp những bất đồng.
Ngược lại, mối quan hệ được cải thiện đã chuyển hướng “chiến trường” khỏi nguy cơ xung đột vũ trang tiềm ẩn, cho phép các đối thủ vừa cạnh tranh vừa có thể hưởng lợi từ hợp tác kinh tế và thương mại cũng như thiết lập được các đường dây liên lạc để ngăn chặn tranh cãi và xung đột vượt quá tầm kiểm soát.
Ông Cavusoglu trở thành nhân vật “tiên phong” trên mặt trận này với chuyến công du Liban. Ông tìm cách lấp đầy chỗ trống sau khi các đối thủ về địa chính trị và quyền lực mềm tôn giáo của Thổ Nhĩ Kỳ là Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), cùng Bahrain và Kuwait, áp đặt lệnh tẩy chay kinh tế đối với Liban và triệu hồi Đại sứ từ Beirut.
Từng là quốc gia có thu nhập trung bình, Liban đang bên bờ vực sụp đổ do nạn tham nhũng và giới chóp bu bất chấp tất cả chỉ để bảo vệ lợi ích nhóm. Liên hợp quốc ước tính 3/4 dân số nước này đã rơi vào cảnh nghèo đói. Làm trầm trọng hơn những khó khăn của Liban, lệnh tẩy chay nhằm gây sức ép buộc nới lỏng những kiềm tỏa của Hezbollah, lực lượng được Iran hậu thuẫn.
Cuộc biểu tình của Hezbollah vào tháng 10 vừa qua, yêu cầu thay thế thẩm phán điều tra vụ nổ tại cảng Beirut vào năm ngoái khiến hơn 200 người thiệt mạng, đã trở thành các diễn biến bạo lực giáo phái khiến người ta nhớ đến cuộc nội chiến kéo dài 15 năm của Liban những năm 1970-1980.
Ông Cavusoglu đến Beirut ngay trước khi diễn đàn doanh nghiệp UAE-Thổ Nhĩ Kỳ được tổ chức tại Istanbul và chuyến công du đầu tiên của Thái tử Mohammed bin Zayed đến quốc gia này trong 12 năm trở lại đây. Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Suleyman Soylu cũng đã gặp người đồng cấp UAE Saif bin Zayed Al Nahyan tại Rome, chỉ vài ngày sau chuyến công du Beirut, bên lề Hội đồng Nghị viện Địa Trung Hải.
Mâu thuẫn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và UAE bắt nguồn từ việc Ankara cáo buộc UAE tài trợ cho nỗ lực đảo chính bất thành năm 2016 nhằm vào Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, trong khi UAE chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ lực lượng Hồi giáo chính trị, nhất là tổ chức Anh em Hồi giáo. Thổ Nhĩ Kỳ và UAE đã tiến hành các cuộc chiến mượn tay kẻ khác, cả quân sự và chính trị, tại Libya, Syria, phía Đông Địa Trung Hải và Pháp.
Hơn thế nữa, Ankara cũng ủng hộ Qatar và mở rộng sự hiện diện quân sự tại quốc gia vùng Vịnh này trong suốt hơn 3 năm Doha bị các nước dẫn đầu là UAE và Saudi Arabia tẩy chay về mặt ngoại giao và kinh tế.
Ai Cập và Saudi Arabia đã tìm cách xoa dịu những bất đồng với Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh dư luận nhận thấy có những bấp bênh trong các cam kết của Mỹ đối với Trung Đông, và sự cần thiết đòi hỏi các nước Trung Đông phải tập trung vào kế hoạch tổng thể gồm cải cách kinh tế, đa dạng hóa và mở rộng thương mại trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 và những đòi hỏi bức thiết của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Trong bối cảnh đó, Ngoại trưởng Cavusoglu đã tới Tehran một ngày trước khi đặt chân đến Beirut. Tại đây, ông đã tìm cách củng cố vị thế của mình với tư cách nhà trung gian tiềm năng cho Liban, kiểm soát căng thẳng Thổ Nhĩ Kỳ-Iran tại vùng Caucasus - dọc biên giới Azerbaijan và Iran, cũng như tìm kiếm những điểm chung tại Syria, chiến trường mà hai bên tồn tại nhiều mâu thuẫn.
Bất chấp những tín hiệu cải thiện trong quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ, UAE và Saudi Arabia, khó có khả năng các quốc gia vùng Vịnh nới lỏng “thòng lọng” siết quanh Liban hoặc có thể tin tưởng Ankara ở vị trí nhà trung gian công bằng, vô tư.
Cùng lúc đó, Thổ Nhĩ Kỳ dường như không chỉ khuấy đảo các mặt trận với các quốc gia vùng Vịnh mà còn cả với các nước Đông Nam châu Âu, cũng như Nga và Iran. Điều này có thể thấy được phần nào tại cuộc gặp của Hội đồng Hợp tác các quốc gia nói tiếng Thổ, gồm Azerbaijan, Uzbekistan, Kyrgyzstan, và Kazakhstan, cùng các quốc gia nói tiếng Thổ tại vùng Trung Á và Caucasus. Turkmenistan và Hungary giữ vai trò quan sát viên.
[Yếu tố kinh tế trong trật tự mới ở khu vực Trung Đông]
Thổ Nhĩ Kỳ hạn chế tư cách thành viên và quan sát viên đối với các nước nói tiếng Thổ. Ankara “cấm cửa” các quốc gia Đông Nam châu Âu khác , và cả Iran, nơi cộng đồng thiểu số Azeris chiếm 15% dân số, và Nga với các dân tộc thiểu số nói tiếng Thổ. Bên cạnh đó còn phải kể đến tác động ngoại giao của vụ việc liên quan đến một cặp vợ chồng du khách người Israel bị bắt giữ hồi tuần trước với cáo buộc gián điệp. Cặp đôi đã được thả sau đó và sự kiện này dẫn đến việc lần đầu tiên Tổng thống Erdogan và lãnh đạo Israel điện đàm sau 9 năm.
Ngoài lý do ông Erdogan không muốn vụ việc làm ảnh hưởng đến lượng khách du lịch tới Thổ Nhĩ Kỳ - điều cần thiết trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, sự kiện này còn tạo cơ hội để Ankara tạo đột phá trong quan hệ với Israel và làm giảm lợi thế địa chính trị của UAE trong việc duy trì mối quan hệ chặt chẽ với nhà nước Do Thái.
Ankara muốn có đi có lại, và đó là điều giới bảo thủ Israel lo ngại. Seth J. Frantzman, phóng viên cánh hữu của tờ Jerusalem Post, chuyên viết về Trung Đông, bình luận: “Các cáo buộc ‘gián điệp’ của Ankara và những lời đe dọa rõ ràng sẽ gia tăng ‘giá trị’ của những công dân bị bắt giữ, thể hiện rằng họ đang tận dụng chiến lược ngoại giao con tin liên quan đến những khách du lịch vô tội. Đây cũng là cách Hamas, được đảng cầm quyền tại Ankara hậu thuẫn, sử dụng. Những chế độ thông thường không giam giữ người vô tội”./.