Cổ phiếu giảm mạnh, lợi suất trái phiếu tăng và đồng USD đi lên trong phiên 23/9, khi các nhà đầu tư chú ý đến tín hiệu từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) rằng cuộc chiến chống lạm phát có thể dẫn đến giai đoạn lãi suất cao hơn cùng một cuộc suy thoái.
Đợt bán tháo phiên 23/9 diễn ra trên quy mô toàn cầu, trong một tuần mà Fed tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản lần thứ ba liên tiếp và các ngân hàng trung ương khác cũng đưa ra động thái tương tự để đối phó xu hướng lạm phát phi mã.
Các số liệu yếu kém về hoạt động chế tạo và dịch vụ của châu Âu, cùng cảnh báo của Ngân hàng trung ương Anh (BoE) rằng quốc gia này đã rơi vào suy thoái cũng khiến vòng xoáy tiêu cực gia tăng.
Chính phủ Vương quốc Anh cũng gây chấn động thị trường vào ngày 23/9, khi công bố kế hoạch cắt giảm thuế và khuyến khích đầu tư để hỗ trợ nền kinh tế quốc gia.
Khi Fed chấp nhận triển vọng suy thoái
Thị trường chứng khoán Mỹ đã phản ứng khá tiêu cực sau khi Fed dự báo có thể tăng lãi suất lên tới 4,6% vào đầu năm sau. Hiện lãi suất chuẩn của Mỹ trong khoảng từ 3-3,25%.
Fed cũng dự báo tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ có thể tăng từ mức 3,7% của hiện tại lên 4,4% trong năm tới. Chủ tịch Fed Jerome Powell liên tục cảnh báo Fed sẽ làm những gì cần thiết để kiềm chế lạm phát.
Ông Michael Arone, chiến lược gia đầu tư trưởng tại công ty dịch vụ tài chính State Street Global Advisors, cho biết lạm phát phi mã và lãi suất tăng không phải là hiện tượng riêng tại Mỹ. Đó cũng là một thách thức đối với các thị trường toàn cầu.
Theo chuyên gia này, rõ ràng nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại nhưng lạm phát vẫn cao, buộc ngân hàng trung ương phải tham gia giải quyết vấn đề.
[Chứng khoán toàn cầu lao dốc sau quyết định tăng lãi suất của các nước]
Ông Julian Emanuel, trưởng bộ phận chiến lược đầu tư chứng khoán, chứng khoán phái sinh và định lượng tại công ty tư vấn tài chính Evercore ISI, cho biết về cơ bản, ông Powell đã tán thành ý tưởng về một cuộc suy thoái cho kinh tế Mỹ. Chính động thái này của Chủ tịch Fed đã khởi đầu giai đoạn dễ biến động của thị trường thế giới.
Những lo lắng về khả năng xảy ra suy thoái kinh tế cũng khiến giá các loại hàng hóa giảm xuống, với kim loại quý và hàng hóa nông nghiệp đều bị bán tháo trên diện rộng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) đã giảm khoảng 6% xuống quanh mức 78 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 1/2022 tới nay.
Tác động từ châu Âu
Tại châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã đưa lãi suất rời khỏi vùng âm vào thời điểm họ phải đối mặt một cuộc khủng hoảng năng lượng cùng cuộc xung đột Nga-Ukraine chưa biết khi nào kết thúc.
Khi thị trường chứng khoán Mỹ mở cửa hôm 23/9, lợi suất trái phiếu Kho bạc của nước này đã rời khỏi mức đỉnh khiến lợi suất các trái phiếu quốc gia khác cũng giảm theo. Việc Chính phủ Anh công bố kế hoạch cắt giảm thuế sâu rộng đã làm tăng thêm bất ổn về nợ của nước này, qua đó ảnh hưởng nặng nề đến đồng bảng.
Trái phiếu kỳ hạn 2 năm của Anh có lợi suất 3,95% - cao hơn so với mức 1,71% ghi nhận vào đầu tháng Tám. Trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm rời khỏi mức cao trước đó là 4,25% xuống mức 4,19% trong cùng phiên. Lợi suất trái phiếu thường biến động ngược chiều với giá cả.
Ông Peter Boockvar, Giám đốc đầu tư tại công ty dịch vụ tài chính Bleakley Advisory Group, cho biết trái phiếu châu Âu dù có giảm nhưng vẫn đang trong xu hướng tăng. Nhưng trái phiếu của Vương quốc Anh là “một thảm họa.” Các nhà đầu tư chứng khoán rõ ràng vẫn rất lo lắng và đồng USD tiếp tục duy trì quanh các mức cao.
Chỉ số đồng USD, chịu ảnh hưởng phần lớn bởi đồng euro phiên 23/9, đã đạt mức cao mới trong 20 năm khi tăng 1,4% lên 112,96. Đồng euro cùng phiên giảm xuống 0,9696 USD đổi 1 euro.
Chuyên gia Arone thuộc State Street Global Advisors cho biết cũng có các yếu tố khác trên toàn cầu tác động đến đợt bán tháo này. Ông chỉ ra rằng việc Trung Quốc duy trì chính sách “Zero COVID” và ưu tiên sự thịnh vượng chung đã làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng chậm chạp trong việc đưa ra chính sách tiền tệ nới lỏng hoặc chi tiêu tài khóa bổ sung vào thời điểm này.
Trên toàn cầu, ông Arone chỉ ra rằng các nước cũng gặp những vấn đề phổ biến như nền kinh tế tăng trưởng chậm lại và lạm phát cao, buộc các ngân hàng trung ương tham gia vào việc kiềm chế giá cả. Các ngân hàng trung ương cũng đang tăng lãi suất song song với việc kết thúc các chương trình mua trái phiếu của họ.
Tìm kiếm thêm các dấu hiệu
Hiện các nhà chiến lược chưa nhận thấy dấu hiệu cụ thể nào, nhưng họ đang theo dõi các thị trường xem có dấu hiệu căng thẳng nào không. Đặc biệt là ở châu Âu, nơi tỷ giá biến động khá mạnh.
Chuyên gia Boockvar cho biết các thị trường sẽ trải qua giai đoạn nhiều đau đớn vì các ngân hàng trung ương đang từ bỏ chính sách tiền tệ nới lỏng, vốn đã được duy trì trong nhiều năm liền. Xu hướng này đã diễn ra kể từ trước khi đại dịch bùng phát.
Ông cho biết các ngân hàng trung ương toàn cầu đã kìm hãm lãi suất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Do đó, lãi suất sẽ “nảy” lên khá cao khi được “bung thả.”
Giới chuyên gia cho biết Fed đặc biệt gây xáo trộn thị trường bằng cách dự báo về một mức lãi suất mới cao hơn là 4,6%, trước khi ngân hàng trung ương này dừng tăng lãi suất. Tuy nhiên, các chiến lược gia vẫn cho rằng dự báo đó vẫn có thể thay đổi cho đến khi diễn biến lạm phát trở nên rõ ràng và các quỹ tương lai vào đầu năm tới tăng vượt mức ước tính trên.
Chuyên gia Arone nhận định chỉ khi lạm phát bắt đầu giảm và lãi suất ngừng tăng thị trường mới nên yên tâm. Nhưng cho đến khi điều đó xảy ra, nhà đầu tư nên chuẩn bị trước cho giai đoạn nhiều biến động hơn. Ông nói thêm rằng việc Fed không chắc chắn về điểm dừng của họ là một yếu tố khiến giới đầu tư “không thoải mái."
Giữa bối cảnh như vậy, ông Marc Chandler, chiến lược gia thị trường trưởng tại công ty môi giới đầu tư Bannockburn Global Forex, nhận định thị trường đang bắt đầu đặt cược vào khả năng Fed sẽ nâng lãi suất cao hơn dự báo, lên tới 5%.
Theo ông, việc Fed khuyến khích thị trường định giá lại lãi suất cuối cùng đã đóng một vai trò cho sự biến động này. Lãi suất cuối cao hơn sẽ tiếp tục hỗ trợ đồng USD mạnh hơn so với các loại tiền tệ chủ chốt khác.
Ông Chandler cho biết điểm mấu chốt là bất chấp những vấn đề của nước Mỹ, cùng việc Fed hạ dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm nay xuống 0,2% và tình trạng hoạt động kinh tế trì trệ, chứng khoán Mỹ vẫn có vẻ là kênh đặt cược tốt hơn khi giới đầu tư xem xét các lựa chọn thay thế./.