Đằng sau động thái 'nương tựa lẫn nhau' trong quan hệ Nga-Trung

Quan hệ Nga-Trung luôn dựa vào “sự ủng hộ lẫn nhau, tôn trọng các lợi ích cốt lõi của nhau, vì hòa bình trên thế giới và vì trách nhiệm quốc tế chung.”
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình. (Nguồn: eturbonews.com)

Trước sức ép từ Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Trung Quốc và Nga đã nhất trí gia hạn Hiệp ước láng giềng hữu nghị và hợp tác thân thiện mà hai nước ký kết cách đây 20 năm nhằm tạo thế đứng chung.

Theo báo chí Trung Quốc, trong cuộc trao đổi trực tuyến với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Vladimir Putin đã gửi lời chúc mừng sinh nhật lần thứ 100 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (1/7).

Theo trang The Independent ở Anh, đây là dịp “thể hiện sự đoàn kết của Nga và Trung Quốc khi căng thẳng với Phương Tây gia tăng.”

Nhân dịp này, lãnh đạo hai nước cũng phê phán “việc lợi dụng các hoạt động nhân danh nhân quyền, dân chủ để gây bất ổn” trên thế giới. Họ cũng khẳng định Trung Quốc và Nga “muốn tạo ra công lý toàn cầu.”

“Hình mẫu cho muôn đời sau”?

Theo hãng tin Tass, quyết định của lãnh đạo hai bên sẽ giúp gia hạn hiệp ước thêm 5 năm kể từ tháng 2/2022. Tuy nhiên, theo quan điểm của Trung Quốc, ý nghĩa của quan hệ này có chiều sâu và độ dài hơn thế.

Thời báo Hoàn cầu - ấn bản của Nhân dân Nhật báo - trích lời Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hồi đầu tháng 6 khẳng định “quan hệ hữu nghị Nga-Trung là điều quý báu cần để lại cho các thế hệ sau.”

[Giới hạn của việc tăng cường quan hệ giữa Nga và Trung Quốc]

Nói về hiệp định Nga-Trung, ông Vương Nghị cho rằng đây là văn bản “định hình quan hệ kiểu mới giữa các chính quyền Nga và Trung Quốc trong 20 năm qua.”

Quan hệ này luôn dựa vào “sự ủng hộ lẫn nhau, tôn trọng các lợi ích cốt lõi của nhau, vì hòa bình trên thế giới và vì trách nhiệm quốc tế chung.”

Thời báo Hoàn Cầu trích lời một số nhà quan sát cho rằng “trọng tâm toàn cầu hiện nay đặt vào việc cuộc trao đổi giữa hai nhà lãnh đạo Tập Cận Bình-Putin có làm thay đổi quan hệ song phương hay không, nhất là khi chính quyền ông Biden có thể chia rẽ thành công quan hệ này, vì quan hệ đối tác Nga-Trung là mối đe dọa cho Mỹ.”

Trang báo này cũng cho biết sau các lệnh trừng phạt, cấm vận với Nga xung quanh vấn đề Ukraine và việc hải quân Nga và Anh “làm căng thẳng gia tăng ở Biển Đen gần đây,” mối quan hệ với Trung Quốc lại càng trở nên quan trọng cho Nga và cho hoà bình thế giới.

Thời báo Hoàn Cầu cũng nhắc hai nước đều cần hiệp định này, vì Nga “đang đối mặt với sức ép từ NATO nhằm mở rộng ảnh hưởng về phía Đông và việc tranh giành ảnh hưởng ở Trung và Đông Âu.”

Tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc viết: “Trung Quốc hiện cũng đang có thách thức an ninh và phát triển như làm sao bảo vệ được chủ quyền ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.”

Trong khi đó, trang thediplomat.com cũng đăng tải bài phân tích về mối quan hệ Nga-Trung sau cuộc họp của hai nhà lãnh đạo. Theo đó, hội nghị trực tuyến lần này được tổ chức nhằm hướng đến một môi trường ổn định.

Hai nhà lãnh đạo đã đánh dấu kỷ niệm 20 năm hai nước ký Hiệp ước láng giềng hữu nghị và hợp tác thân thiện.

Hiệp ước Hữu nghị 2001 và thông qua hàng loạt vấn đề ưu tiên trong quan hệ truyền thống, bao gồm việc gia hạn Hiệp ước Hữu nghị, tái khẳng định giá trị của quan hệ đối tác chiến lược, các tuyên bố chung về Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) và Quan hệ Đối tác Đại Á-Âu của Nga, cũng như Tuyến đường biển phương Bắc.

Tuy nhiên, đã không có bất kỳ tuyên bố công khai nào về việc phát triển chính sách mới liên quan đến một loạt các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm.

Điều đáng nói hơn là ông Putin cần phải tránh một thực tế rõ ràng rằng hai nhà lãnh đạo không thể gặp mặt trực tiếp do Nga thất bại trong việc kiểm soát đại dịch COVID-19 và phân phối vaccine.

Hai bên cũng không nêu ra vấn đề quan trọng nào trong chương trình nghị sự. Tuy nhiên, tuyên bố của Nga sau cuộc họp đã làm dấy lên những lo ngại về tác động gây mất ổn định trước việc Mỹ rút khỏi các thỏa thuận kiểm soát vũ khí quốc tế.

Những vật cản trong quan hệ song phương

Việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan là một lĩnh vực mà Nga và Trung Quốc cùng quan tâm.

Chính phủ hai nước đều cảm thấy thoải mái với hiện trạng ràng buộc trong các cam kết chi tiêu của Mỹ, việc Washington triển khai sức mạnh không quân và khả năng Mỹ thường xuyên triển khai lực lượng lớn bên ngoài Kabul và các căn cứ không quân quan trọng để hỗ trợ ANSF chống lại Taliban.

Ông Biden đã đánh lừa Nga bằng cách tuyên bố rút quân, dù thực tế vẫn dự phòng các kế hoạch để lại 650 binh sỹ ở Kabul, qua đó Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ tài chính cho chính quyền Tổng thống Ashraf Ghani.

Việc không có một tuyên bố chung về Afghanistan tại cuộc họp giữa hai nhà lãnh đạo Putin-Tập Cận Bình phản ánh mâu thuẫn lớn giữa hai chính phủ trong cuộc xung đột.

Nga đã tăng cường liên lạc quân sự với cả chính phủ Uzbekistan và Tajikistan, đồng thời triển khai thêm binh sỹ tới Tajikistan.

Trong khi đó, Trung Quốc đã mở rộng quan hệ đối tác an ninh và sự hiện diện của nước này ở khu vực biên giới, nhưng không thông báo bất kỳ thay đổi nào về chính sách.

Bên cạnh đó, rõ ràng vai trò một cường quốc “ra lệnh” của Nga đã suy yếu, khi nước này đưa ra các sáng kiến khu vực.

Sau cuộc giao tranh biên giới giữa lực lượng Kyrgyzstan và Tajikistan về lãnh thổ không phân định trong khu vực Osh, Trung Quốc đã tổ chức cuộc họp với các ngoại trưởng của cả 6 quốc gia Trung Á để thảo luận về Afghanistan và phát triển kinh tế khu vực mà không có sự tham gia của Nga.

Nga thậm chí chưa bao giờ thiết lập một cuộc họp 3 bên hoặc sáng kiến tương tự giữa lãnh đạo các nước.

Một vấn đề mà Trung Quốc ít quan tâm hơn nhiều so với Nga là tương lai kinh tế của Belarus.

Việc Belarus mất quyền tiếp cận thị trường vốn của EU và các lệnh trừng phạt nhắm vào các nhà máy lọc dầu của nước này đã thúc đẩy các công ty Nga cắt nguồn cung dầu, dẫn đến việc Belarus phải dựa vào các ngân hàng Nga và thị trường tài chính của Nga để vay nhiều hơn.

Tại sao Trung Quốc cần quan tâm đến vấn đề này? Belarus là một trạm dừng cho các tuyến đường sắt chở hàng quá cảnh của Nga vào châu Âu, mặc dù các nhà nhập khẩu Ukraine cũng đang bắt đầu sử dụng các tuyến đường sắt của Nga từ Trung Quốc.

Belarus hoàn toàn không phải là một ưu tiên đối với Trung Quốc ở Đông Âu, nhưng ít nhất nước này cũng có vai trò trong mạng lưới quan hệ mà Trung Quốc coi như một liều thuốc chữa bách bệnh cho sự tăng trưởng kinh tế Á-Âu trong 8 năm qua.

Tuy nhiên, nhìn từ hội nghị Nga-Trung, rõ ràng Belarus không được đón nhận bất kỳ tuyên bố công khai quan trọng nào.

Về vấn đề toàn cầu lớn nhất tại cuộc họp, phản ứng của y tế công cộng đối với COVID-19, Trung Quốc và Nga hầu như khác biệt hoàn toàn.

Chiến dịch tiêm chủng của Nga đã thất bại nặng nề. Nước này mới có khoảng 15-16% dân số đã tiêm ít nhất một liều vaccine kể từ khi bắt đầu chiến dịch tiêm chủng hồi tháng 1.

Làn sóng dịch bệnh hiện nay, vốn trở nên nghiêm trọng do biến thể Delta, đang khiến các bệnh viện ở Nga bị quá tải và làm tăng tỷ lệ tử vong tại nước này lên mức cao chưa từng thấy kể từ năm 1947.

Ngay cả Điện Kremlin cũng đã công khai thừa nhận rằng với tốc độ này, mục tiêu tiêm chủng cho 60% dân số Nga trước mùa Thu năm nay là không thể đạt được.

Trong khi đó, Trung Quốc đã cho thấy hiệu quả qua việc ứng phó khẩn cấp trước các đợt bùng phát trong cộng đồng.

Mặc dù còn nghi ngờ về tính hiệu quả của vaccine, song nước này đã tiêm chủng cho hơn 220 triệu người. Kể từ đầu tháng 4, số người được tiêm tại Trung Quốc đã tăng đáng kể và quá trình triển khai vaccine vẫn đang diễn ra suôn sẻ.

Cả Trung Quốc và Nga đều nỗ lực “đánh bại” ảnh hưởng của đại dịch đối với nền kinh tế thông qua xuất khẩu.

Tuy nhiên, đà phục hồi tiêu dùng của Trung Quốc yếu hơn so với xuất khẩu, trong bối cảnh nước này thắt chặt các điều kiện tín dụng để chống đầu cơ và giúp quản lý dòng vốn nước ngoài kể từ khi đại dịch bùng phát.

Tình hình phục hồi tiêu dùng ở Nga cũng gặp nhiều khó khăn do mức lạm phát cao, sự hỗ trợ hạn chế của nhà nước đối với các hộ gia đình và làn sóng dịch bệnh mới.

Mặc dù Nga cho rằng quy mô của nền kinh tế Trung Quốc sẽ đủ để bù đắp cho sự yếu kém dai dẳng của các nền kinh tế thuộc EU kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, nhưng điều đó rõ ràng sẽ không xảy ra trong năm tới.

Tác động từ chính sách kinh tế của Biden và "giấc mơ xanh" của châu Âu

Trung Quốc là một đối tác tự nhiên của Nga trong cuộc đua trung hòa khí carbon. Nước này sản xuất phần lớn các tấm pin Mặt Trời, tinh chế được 50% lượng hợp chất cobalt trên toàn cầu, có nhiều bí quyết và kinh nghiệm trong việc thiết lập chuỗi cung ứng sản xuất cạnh tranh cho các nguyên liệu tái tạo đầu vào, đồng thời hưởng lợi từ việc đóng vai trò chủ động trong kế hoạch trung hòa carbon của các nhà xuất khẩu dầu mỏ.

Tuy nhiên, đã không có nỗ lực nào báo hiệu một sự hợp tác giữa hai nước trong cuộc thảo luận hôm 28/6. Kế hoạch thương mại của Trung Quốc đã không thể khởi động vào cuối tháng 6 theo mục tiêu ban đầu do chính phủ đặt ra, trong khi Moskva cũng mới chỉ đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự.

Mối quan hệ Nga-Trung, vốn không hề giống một “liên minh,” sẽ tiếp tục bền vững và trở nên sâu sắc hơn.

Các công ty Trung Quốc vẫn quan tâm đến nguồn nhân lực và tài nguyên thiên nhiên của Nga, trong khi các công ty và nhà đầu tư Nga cũng muốn tìm hướng phát triển tại thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Putin-Tập Cận Bình, vốn nhấn mạnh vào hiệu quả thực chất, đã bị giới hạn do những lo ngại về chính trị trong nước cũng như tầm nhìn lợi ích chung của hai nước.

Dường như hai bên không có sự nhất trí rõ ràng về trật tự ở khu vực Trung Á và rộng hơn là khu vực Á-Âu, cũng không có bất kỳ nỗ lực nào để chứng tỏ rằng không chỉ có các nền dân chủ trên thế giới đang tham gia cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Thay vào đó, hai nước tiếp tục tập trung vào việc xây dựng một mặt trận thống nhất chống lại sự thống trị của Mỹ và liên minh xuyên Đại Tây Dương - mà không phản ánh những gì họ đang làm vào lúc này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục