Đằng sau động thái Nga-Trung thắt chặt quan hệ thời điểm này

Hai ngoại trưởng Trung Quốc và Nga coi mối quan hệ Trung-Nga là ưu tiên chính sách ngoại giao hàng đầu trong chương trình nghị sự của mỗi nước.
Đằng sau động thái Nga-Trung thắt chặt quan hệ thời điểm này ảnh 1(Nguồn: AFP)

Ngày 17/7, hai ngoại trưởng Trung Quốc và Nga đã có cuộc điện đàm chia sẻ quan điểm chung và nhất trí tăng cường hợp tác giữa hai nước.

Theo Tân Hoa Xã, Ngoại trưởng Vương Nghị thông báo sau khi Nga tiến hành thành công cuộc trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến pháp hồi tuần trước, lãnh đạo hai nước đã có cuộc điện đàm trong đó khẳng định sự ủng hộ lẫn nhau và nhấn mạnh rằng họ coi mối quan hệ Trung-Nga là ưu tiên chính sách ngoại giao hàng đầu trong chương trình nghị sự của mỗi nước.

Trong cuộc điện đàm, Ngoại trưởng Vương Nghị đã thông báo với người đồng cấp Nga Serguei Lavrov quan điểm của Bắc Kinh, theo đó phản đối việc Mỹ đang làm sống lại “không khí Chiến tranh Lạnh” trong quan hệ với Trung Quốc.

[Ngoại trưởng Nga-Trung Quốc trao đổi "nhiều vấn đề quan trọng"]

Theo Ngoại trưởng Trung Quốc, người đồng cấp Nga cũng khẳng định Moskva phản đối “chủ nghĩa đơn phương” trong các quan hệ quốc tế.

Sau cuộc điện đàm giữa hai bộ trưởng, Bộ Ngoại giao Nga ngày 17/7 thông báo: “Ngoại trưởng Sergei Lavrov đã thông báo cho người đồng cấp quá trình đối thoại giữa Nga và Mỹ về các vấn đề kiểm soát vũ khí trong bối cảnh duy trì sự ổn định chiến lược."

Ông Lavrov nhấn mạnh là hai ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đồng thời là hai nước lớn có trách nhiệm, Nga và Mỹ nên tăng cường hơn nữa hợp tác song phương cũng như trong mối quan hệ quốc tế, bảo vệ luật pháp quốc tế và các lợi ích chung của hai nước.

Trong cuộc điện đàm, các ngoại trưởng đã đề cập đến một số vấn đề trong chương trình nghị sự song phương và quốc tế, bao gồm chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh các ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, tình hình an ninh toàn cầu, tình hình ở nhiều khu vực trên thế giới và quá trình hội nhập trên lục địa Á-Âu, các hoạt động của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải và BRICS, do Nga chủ trì trong năm nay.

Cuộc điện đàm giữa hai Ngoại trưởng Trung-Nga nhằm tìm kiếm lập trường chung trong quan hệ với Mỹ diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng, với việc Trung Quốc áp đặt Luật An ninh quốc gia với Hong Kong kể từ ngày 1/7, cuộc chiến thương mại, công nghệ ngày càng gay cấn, cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19, hay hồ sơ Biển Đông trở nên nóng hơn sau khi Mỹ công bố lập trường bác bỏ gần như toàn bộ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở vùng biển này.

Tại điểm nóng Hong Kong, ngày 18/7, chính quyền Hong Kong bắt đầu nhận đơn ứng cử của các ứng viên tranh cử vào Nghị viện đặc khu, cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào ngày 6/9 tới. Thời gian đăng ký là trong vòng hai tuần lễ.

Đối lập hy vọng dành được ít nhất 35 ghế dân biểu trên tổng số 70 ghế, để có thể kiểm soát được các chính sách của chính quyền đặc khu.

Có 4,47 triệu cử tri Hong Kong có quyền bỏ phiếu. Một điểm lo ngại lớn của phe dân chủ Hong Kong là chính quyền sẽ tìm cách loại trừ các ứng cử viên đối lập trẻ, như đã làm trong các cuộc bầu cử trước.

Theo Reuters, nếu chính quyền tiến hành việc này trên quy mô lớn, rất có thể dân chúng Hong Kong sẽ lại xuống đường phản kháng dữ dội.

Trong khi đó, Tòa Tối cao Anh hôm 17/7 thông báo các thẩm phán của Tòa tại Hong Kong sẽ từ nhiệm nếu “độc lập tư pháp” không được bảo đảm, sau khi Bắc Kinh áp đặt Luật An ninh quốc gia.

Hiện tại, tại Tòa Chung thẩm Hong Kong, tức cấp cao nhất trong hệ thống tòa án của đặc khu, có hai thẩm phán của Tòa Tối cao Anh quốc và nhiều thẩm phán mang quốc tịch Anh, Australia hay Canada.

Tòa Tối cao Anh quốc cử hai thẩm phán tham gia Tòa án Hong Kong theo thỏa thuận Anh-Trung. Chánh án Tòa Tối cao Anh quốc, Thẩm phán Robert Reed, đã ra một thông báo về vấn đề này. Thẩm phán Robert Reed cũng là thành viên Tòa Chung thẩm Hong Kong.

Ý tứ sâu xa

Ngày 16/7 vừa qua đánh dấu kỷ niệm 19 năm ký kết Hiệp ước về Hữu nghị và hợp tác giữa Liên bang Nga và Trung Quốc. Đây không phải là hiệp ước đầu tiên giữa hai cường quốc có chung đường biên giới, quan hệ giữa họ đã được hình thành từ hàng thế kỷ trước và trải qua thăng trầm cũng như nhiều thử thách.

Tuy nhiên, trong thế đối đầu Mỹ-Trung đang hình thành, Nga cũng đang cân nhắc mọi lựa chọn của mình.

Trong kỷ nguyên lãnh đạo của Stalin và Mao Trạch Đông, một thỏa thuận đã được ký kết biến hai quốc gia lớn nhất trên lục địa Á-Âu trở thành đồng minh quân sự của nhau.

Nhưng mối quan hệ đó không chịu được thử thách của thời gian, xung đột biên giới bùng phát với thương vong cho cả hai bên và thỏa thuận đồng minh cũng tan biến.

Nguyên nhân chủ yếu là do hai đảng cầm quyền đã giải thích chủ nghĩa Marx-Lenin theo những cách khác nhau và đều tự khẳng định vai trò là người lãnh đạo phong trào cộng sản quốc tế.

Nhưng về bản chất, Liên Xô buộc phải cạnh tranh với một Trung Quốc đang lớn mạnh và đòi hỏi vị thế tương xứng của mình.

Nước Nga thời đại Putin đã xây dựng được mối quan hệ nồng ấm chưa từng có với Trung Quốc dựa trên những cam kết cụ thể.

Ưu điểm của Hiệp ước được ký năm 2001 so với những văn kiện đã ký hơn 70 năm trước đó là không có nền tảng ý thức hệ và thể hiện mong muốn khá thực dụng của Nga và Trung Quốc nhằm xây dựng mối quan hệ láng giềng tốt đẹp.

Điểm này được phản ánh trong Điều 3, trong đó nêu rõ rằng các bên tôn trọng các lựa chọn phát triển mà mỗi bên đang thực hiện. Ý nghĩa của tuyên bố này là rõ ràng.

Trung Quốc vào năm 2001, cũng như hiện nay, đã tuyên bố một cam kết theo đuổi chủ nghĩa cộng sản, và Nga đã quyết định lao vào vùng biển chưa được khám phá của chủ nghĩa tư bản.

Trong Hiệp ước được ký 19 năm trước, Nga và Trung Quốc không nhắc đến các yêu sách lãnh thổ của nhau, khẳng định tuân thủ sự bất khả xâm phạm của biên giới nhà nước.

Một điều khoản quan trọng khác đó là các bên không tham gia vào bất kỳ liên minh hoặc khối nào và không có hành động gây bất lợi cho bên kia. Mối liên hệ giữa các nhà lãnh đạo cao nhất hai nước được mô tả là thân thiết và tốt đẹp.

Bình luận về cuộc trò chuyện qua điện thoại trước đó giữa Vladimir Putin và Tập Cận Bình hồi đầu tháng 7 này, Tân Hoa Xã chính thức xác nhận hai nước sẽ tiếp tục tương tác với nhau, bác bỏ sự phá hoại và can thiệp từ bên ngoài.

Cần lưu ý rằng, các cụm từ "phá hoại" và "can thiệp" là những từ rất phổ biến ở Nga và Trung Quốc tại thời điểm chiến tranh cách mạng và khủng bố hàng loạt.

Tại sao chúng được nhắc đến vào thời điểm này? Theo bình luận từ cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc, ông Putin ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực bảo vệ an ninh quốc gia tại Hong Kong và các biện pháp chống lại sự vi phạm chủ quyền Trung Quốc trong khu vực hành chính đặc biệt này.

Về phần mình, người đứng đầu Trung Quốc đã ủng hộ các bước đi của Putin để củng cố nước Nga trong cuộc trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến pháp.

Vậy chuyện gì xảy ra? Những cử chỉ như vậy của hai nhà lãnh đạo Nga-Trung chỉ ra rằng Moskva và Bắc Kinh đang tăng cường giao tiếp không chỉ bởi lợi ích của “láng giềng tốt” và cùng có lợi, mà còn bởi một thành phần ý thức hệ mới đó là nỗi sợ hãi trở thành nạn nhân của sự can thiệp từ bên ngoài, các cuộc cách mạng màu. Rõ ràng, cả hai nhà lãnh đạo rất dễ dàng tìm thấy một ngôn ngữ chung trong vấn đề này.

Nhiều chuyên gia dự đoán rằng sau đại dịch COVID-19 thế giới có thể trở thành lưỡng cực một lần nữa. Chỉ có hai phe sẽ đứng đầu không phải bởi Liên Xô và Mỹ, mà là Trung Quốc và Mỹ.

Cho dù dự báo này có hợp lý hay không, Nga thấy mình ở một vị trí không đáng ghen tị. Cho đến nay, trong lĩnh vực tên lửa hạt nhân, Moskva vẫn duy trì ngang bằng với Washington.

Nhưng sức mạnh kinh tế của Nga là không thể so sánh với một trong hai siêu cường. Nói cách khác, Nga đang dần trở thành một nhà cung cấp nguyên liệu đơn thuần của Trung Quốc.

Theo phân tích của Viện Brookings, trong tam giác Nga-Mỹ-Trung, Nga là bên yếu nhất. Hơn nữa, bản thân Nga đã và đang phải gánh chịu nhiều thách thức từ phương Tây, đặc biệt là ở Syria, Donbass.

Nga, theo Ngoại trưởng Sergey Lavrov, không tin rằng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung có lợi cho mình. Hơn nữa, các quan chức Nga nói rằng Moskva không muốn bị lôi kéo vào cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ. Nhưng liệu Nga có thể đứng bên lề?

Trong nhiều năm trở lại đây, Nga theo đuổi trật tự thế giới đa cực mà mục tiêu không gì khác là đoàn kết các nước đang phát triển nhằm chống lại thế đơn cực của phương Tây do Mỹ đứng đầu.

Ông Putin mong muốn thực hiện giấc mơ đưa Nga trở lại vị thế của một cường quốc, đồng thời cũng đã kéo đất nước vào những cuộc xung đột không có lối thoát và nền kinh tế phải chịu những trừng phạt nghiêm khắc từ phương Tây.

Điều này đã thu hẹp tự do hành động của Moskva, khiến họ ngả sang phương Đông, tìm kiếm sự ủng hộ từ Trung Quốc về chính trị và kinh tế, thậm chí là quân sự.

Trong bối cảnh Washington khơi mào thế đối đầu Mỹ-Trung, Moskva vẫn giữ cam kết “không tham gia vào bất kỳ liên minh hoặc khối nào và không có hành động gây bất lợi cho bên kia.”

Tuy nhiên, tự do hành động cũng là thứ mà người Nga cần để nới lỏng ảnh hưởng và đòi hỏi từ phía Trung Quốc, đặc biệt trong các vấn đề nhạy cảm giữa Bắc Kinh với các quốc gia láng giềng có quan hệ chiến lược với Nga.

Cuối cùng, Moskva vẫn cần phải tìm kiếm và xây dựng cho mình đối trọng để cân bằng với sự phụ thuộc vào một đối tác không ngừng gia tăng sức mạnh và tham vọng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục