Dâng sao giải hạn đầu năm: Tiền đâu thế được tâm

Chưa biết họa may thế nào, chỉ biết rằng, người ta có gặp họa cũng tự tâm niệm nhờ giải hạn mà bớt họa, vì giải hạn mà gặp may.
Trải qua một năm làm ăn ế ẩm, anh Dũng cho rằng năm trước sao xấu lại không đi cúng giải hạn cẩn thận nên công việc trắc trở trăm đường...

"Có thờ có thiêng"

Người Việt ta quan niệm mỗi năm, mỗi tuổi, con người ta ứng với một sao chiếu mệnh. Sao tốt có, sao xấu có, trong đó sao xấu ứng với nhiều điều không may mắn, xui rủi.

Vì thế, vừa hết Tết, anh Dũng-giám đốc một doanh nghiệp phát triển phần mềm đã tính chuyện phải đi cúng sao giải hạn đầu năm mong gặp nhiều điều may mắn, an lành cũng như có thể tránh đủ thứ hạn như: quan âm, quan trần, hao tán tiền của, vạ miệng...

“Năm qua làm ăn không ra lãi, công việc nhiều vướng mắc khiến công ty thất thu. Đi xem nhiều nơi các thầy bảo sao xấu mà cúng không đến nơi đến chốn vì thế năm nay quyết tâm đầu tư giải hạn," anh Dũng nói.

Sinh năm 1983, Quý Tỵ năm nay anh vừa xung tuổi lại vừa không may bị sao Thái Bạch chiếu mệnh. Theo quan niệm các sao thì năm nay anh sẽ hao tán sạch tiền của và gặp nhiều điều xui rủi trong cuộc sống.

"Có thờ có thiêng, có kiêng có lành", anh Dũng tặc lưỡi. Thế là nào mời thầy, nào lập đàn cúng tại gia, anh Dũng phóng tay chi gần hai chục triệu để yên tâm làm ăn, công tác trong năm mới.

Chịu chi như anh Dũng chưa thấm tháp gì trong giới kinh doanh đến cầu cửa nhà "cậu" Bảy, ở Đội Cấn, từ trước Tết đến giờ "cậu" tiếp không ít đoàn đến xin "cậu" xếp lịch, xem ngày lập đàn giải hạn đầu năm. Mỗi đàn như yêu cầu của cả gia chủ lẫn thầy trên dưới trăm triệu.

"Phải làm như vậy gia chủ mới yên tâm, làm ít hơn người ta chê mình sơ sài, giải không đến nơi đến chốn", "cậu" Bảy nói.

Chưa biết họa may thế nào, chỉ biết rằng, người ta có gặp họa cũng tự tâm niệm nhờ giải hạn mà bớt họa, vì giải hạn mà gặp may.

Phật dạy "sống là nhân quả"

Nghi thức cúng sao giải hạn không xuất phát từ đạo Phật mà từ tín ngưỡng trong dân gian dần trở thành một nghi thức văn hóa quen thuộc, như một thói quen cầu phước an tâm.

Việc cúng sao giải hạn thông thường diễn ra vào đầu năm từ ngày mùng 4 cho đến hết tháng Giêng, cũng có khi được tổ chức vào bất kỳ ngày hoàng đạo trong năm nếu gia chủ đến vận "quá đen".

Nhiều người quan niệm ngày mùng 8 là ngày đại hội chư tinh nên cũng cố gắng thuê thầy tổ chức dâng sao giải hạn còn hầu hết các gia đình đều đăng ký giải hạn tại các ngôi chùa gần nơi ở.

Sư thầy Thích Hạnh Châu, trụ trì chùa Vân Trì (Từ Liêm) cho biết, khó khăn chung về kinh tế khiến nhiều gia đình đặt nặng việc cúng sao giải hạn đầu năm mong cho việc làm ăn thêm khá giả. Tuy nhiên, dâng sao giải hạn nơi cửa Phật chỉ là ghi nhận lòng thành tâm của Phật tử mà thôi.

Thêm vào đó, sư thầy Thích Hạnh Châu cũng giảng giải thêm cho các Phật tử về ý nghĩa của các sao mệnh như: Sự tốt chưa chắc đã phải là tốt, sự xấu chưa hẳn đã là xấu mà giáo lý nhà Phật vốn đề cao luật nhân quả, gieo nhân nào gặp quả ấy. Quan trọng nhất là sống sao cho tâm sáng và sống sao cho phải đạo mới nên người.

Lễ cúng sao giải hạn cơ bản được các thầy tụng kinh cầu an, kinh dược sư, đọc danh sách, đọc sớ. Trong đó, tại các chùa thường sắm đủ phẩm vật, số lượng các đèn, nến tùy theo mỗi sao cần nghinh tiễn để làm lễ. Bài vị cúng mỗi sao được viết trên giấy, có màu tương ứng với ngũ hành của từng sao.

"Năm nay, lượng người đăng ký giải hạn tại chùa đông hơn mọi năm. Thông thường, ra Tết, các thầy thay phiên nhau làm lễ trong ba ngày thì năm nay phải mất đến năm ngày giải hạn cho tất cả các hộ gia đình đã đăng ký", sư thầy Thích Đức Tiến, trụ trì chùa Thọ, Cầu Giấy nói.

Theo sư thầy Thích Đức Tiến, khi tổ chức và tham dự các khóa lễ, mọi người đều nên ý thức để không làm sai lệch ý nghĩa của hoạt động văn hóa này, tránh sa đà với hình thức mê tín dị đoan. Duy trì việc cúng sao, giải hạn, cầu bình an đầu năm trở thành nét văn hoá đẹp chứ đừng đánh đồng sự thành tâm với giá trị vật chất./.
Quỳnh Trang (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục