Đảng Puea Thai sẽ mua thóc gạo với giá bảo lãnh

Đảng Puea Thai ở Thái Lan sẽ mua thóc gạo với giá bảo lãnh của chính phủ mới, có thể dẫn đến việc bóp méo giá cả trên thị trường.
Chính sách sẽ mua thóc gạo với giá bảo lãnh của chính phủ mới, do đảng Puea Thai (Vì nước Thái) lãnh đạo ở Thái Lan, đang được cho là có thể tạo nên sự độc quyền và dẫn đến tình trạng bóp méo giá cả trên thị trường.

Trong bài viết được đăng tải hôm đầu tuần ở nhật báo “Dân tộc” ở Bangkok cho rằng chính sách mà đảng Puea Thai hứa hẹn kể trên sẽ làm cho chính phủ trở thành khách hàng và nhà buôn bán gạo lớn nhất tại xứ “chùa Vàng,” làm tăng nguy cơ độc quyền. Điều này khiến người ta đặt câu hỏi liệu gạo Thái có thể duy trì được khả năng cạnh tranh trong tương lai hay không thông qua việc thực hiện chính sách đó.

Theo tờ báo trên, đảng Puea Thai sẽ sử dụng Cơ quan kho hàng công của Bộ Thương mại Thái Lan như là công cụ chính để thu mua, dự trữ trong kho, đóng gói, bán và xuất khẩu tất cả các giống thóc lúa. Đồng thời, Puea Thai cũng sẽ nâng lượng thóc dự trữ trong các kho lên 6 triệu tấn, thay vì 3 triệu tấn (là mức đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong nước).

Giữa tuần trước, Hiệp hội các nhà xuất khẩu thóc gạo Thái Lan đã lên tiếng phản đối chính sách kể trên và nói rằng chính phủ sẽ phải xử lý lượng lương thực tồn kho có thể lên tới 8-10 triệu tấn, cùng với vấn đề buôn lậu (thóc gạo) từ các nước láng giềng. Chính sách đó sẽ buộc các nhà xuất khẩu Thái phải tìm nguồn cung rẻ hơn từ bên ngoài.

Điều đáng nói là chính sách trợ giá dự kiến áp dụng vào đầu tháng 11 tới sẽ đẩy giá gạo trắng xuất khẩu của Thái từ 545-550 USD/tấn FOB hiện nay lên 840-850 USD/tấn. Thái Lan sẽ sớm bị bỏ lại đằng sau trước Việt Nam, Ấn Độ và thậm chí cả Myanmar về mặt giá cả lẫn khối lượng thóc gạo xuất khẩu. Thái Lan cũng không thể dựa mãi vào chất lượng cao của gạo Hương nhài, do công nghệ tiên tiến có thể giúp các nước khác có khả năng sản xuất được loại gạo thơm tương tự như thế với giá thành hạ hơn.

Quan chức Anek Silapapun của Tập đoàn CP nói rằng nông dân Thái cần tập trung vào gạo trắng và tiếp tục trồng cấy lúa Hương nhài đặc trưng cung ứng cho các thị trường cao cấp, nhằm cạnh tranh với các nước khác tại châu Á. Nông dân Thái không chỉ đối mặt với sự cạnh tranh từ Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar và cả với Ấn Độ và Indonesia, những nơi có đất đai khá màu mỡ và khí hậu thuận lợi.

Tuy vậy, Thái Lan không nên quá bận tâm về chương trình mở rộng diện tích canh tác lúa ở châu Phi, địa bàn đang chú ý nhiều tới vấn đề tự cung tự túc hơn là xuất khẩu. Sản lượng thóc gạo bình quân tại châu Phi và khoảng 13,2 triệu tấn/năm, so với nhu cầu tiêu thụ khoảng 19 triệu tấn, nên mỗi năm phải nhập khẩu 5-6 triệu tẫn.

Để nâng cao sức cạnh tranh trong ngắn hạn, Thái Lan cần nỗ lực nâng cao năng suất từ 460 kg/rai (tương đương khoảng 2,87 tấn/ha) lên 800-900 tấn/rai. Với giống lúa có chất lượng cao và nguồn nước tưới đảm bảo, nông dân ở miền Trung Thái Lan có thể nâng năng suất lúa gạo trắng lên 1.000kg hoặc trên 1.000 kg/rai.

Nhiều nông dân Thái nói họ thích kế hoạch bảo đảm nguồn thu nhập kiểu như chương trình mà chính phủ của ông Abhisit Vejjajiva đã triển khai, hơn kế hoạch mà đảng Puea Thái hứa hẹn. Họ cho rằng kế hoạch bảo đảm nguồn thu nhập tạo ra nguồn thu ổn định (cho nông dân) và làm giảm nguy cơ tham nhũng của các nhà xay xát hay quan chức chính phủ.

Thái Lan hiện là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới với mỗi năm bán khoảng 8-10 tấn gạo ra thị trường quốc tế. Tổng sản lượng thóc hàng năm của nước này đạt trung bình 30 triệu tấn, tương đương khoảng 20-21 triệu tấn gạo./.

Ngọc Tiến/Bangkok (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục