Chiều tối 1/8, trả lời các nhà báo về việc đào tạo phi công của Vietnam Airlines, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết chưa nhận được báo cáo của Tổng công ty Hàng không Việt Nam. Bộ đang đôn đốc để có báo cáo cụ thể.
Về vấn đề này, Cục Hàng không Việt Nam đã báo cáo về quy trình, quy định chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị liên quan trong vấn đề tổ chức đào tạo, tuyển dụng, kiểm soát chất lượng đội ngũ phi công.
“Chúng ta tách ra hai phần. Thứ nhất là phần hoạt động của doanh nghiệp trong việc tuyển chọn, lựa chọn người điều khiển máy bay. Thứ hai, về phía quản lý Nhà nước, Cục Hàng không Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ được giao phải xem xét đầu ra của các ứng viên dựa trên hồ sơ về bằng cấp và việc huấn luyện trong quá trình học. Hiện nay, chủ yếu học ở nước ngoài, trong đó đại đa số ở các quốc gia rất phát triển như Hoa Kỳ, Newzeland, Australia và một số nước châu Âu,” Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho hay.
[Cục Hàng không nói gì về nghi vấn ‘bôi trơn’ đầu vào phi công?]
Ông Đông cũng khẳng định bất kể đầu vào hay được huấn luyện thế nào thì vấn đề đầu ra vẫn phải dựa trên các điều kiện: Một là danh sách của các đơn vị được phép đào tạo nằm trong danh mục của Tổ chức Hàng không Quốc tế công nhận và đánh giá phải tuân thủ, phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam. Hai là cá nhân người lái máy bay phải được Cục Hàng không ở nước đào tạo tổ chức kiểm tra, đánh giá, cấp bằng lái cơ bản. Sau đó, muốn lái loại máy bay nào thì phải học thêm để lái loại máy bay đó. Việc này phụ thuộc vào nỗ lực của các học viên, đào tạo cơ bản và đảm bảo yêu cầu, tiêu chuẩn của ICAO trong điều hành máy bay quy mô thương mại. Ba là quy chuẩn về an toàn hàng không. Đây là các yêu cầu bắt buộc.
“Việc hoàn thành nội dung huấn luyện bắt buộc đó sau đó sẽ thành phi công điều khiển các máy bay tương thích để các hãng hàng không tuyển chọn,” Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng cho biết cần phải có thời gian để làm rõ việc tuyển chọn phi công của Vietnam Airlines. “Chúng tôi yêu cầu Cục Hàng không xác minh, đánh giá rõ hoạt động tuân thủ thế nào, còn việc tuyển chọn ra sao, vấn đề tiêu cực thế nào cần có báo cáo cụ thể của Tổng công ty Hàng không Việt Nam, sau đó Bộ sẽ thận trọng xem xét, vì đây là cả quá trình chặt chẽ, từ việc đào tạo, đến các trường phải nằm trong danh mục được chúng ta chấp nhận bằng hay chứng chỉ, được sử dụng ở Việt Nam. Sau đó hãng tuyển phải chịu trách nhiệm về phi công điều hành máy bay. Còn các vấn đề tiêu cực, chúng tôi phải xem xét kỹ và sẽ phản ánh lại với cơ quan công luận,” ông cho hay./.