Dâng hương tưởng niệm Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác không những là một nhà y dược học vĩ đại mà còn là nhà thơ, nhà văn xuất sắc, nhà tư tưởng tiến bộ, có tinh thần nhân đạo sâu sắc.
Ông Đỗ Xuân Tuyên (thứ 2, phải sang), Thứ trưởng Bộ Y tế dâng hương khu mộ Hải Thượng Lãn Ông. (Ảnh: Công Tường/TTXVN)

Ngày 3/2, tưởng niệm 132 năm Ngày mất Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cùng đoàn công tác của Bộ và lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã đến dâng hương tại khu mộ Lê Hữu Trác ở xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.

Tại buổi lễ, lãnh đạo Bộ Y tế cùng các đại biểu dâng hương tưởng nhớ công lao to lớn của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp y học nước nhà.

Lê Hữu Trác không những là một nhà y dược học vĩ đại mà còn là nhà thơ, nhà văn xuất sắc, nhà tư tưởng tiến bộ, có tinh thần nhân đạo sâu sắc. Sau khi mất, ông được nhân dân và giới y học cả nước suy tôn là bậc “Y thánh của Việt Nam.”

Danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác sinh ngày 12 tháng 11 năm Giáp Thìn (1724) và mất ngày 15 tháng Giêng năm Tân Hợi (1791).

Ông là con thứ bảy của một gia đình đại trí thức ở làng Liêu Xá, huyện Đường Hào (nay thuộc huyện Yên Mỹ tỉnh Hưng Yên). Thủa nhỏ, ông theo cha ăn học ở kinh thành Thăng Long, sớm nổi tiếng với tư chất thông minh, am tường cả nho, y, lý, số…

[Chuẩn bị Hồ sơ trình UNESCO vinh danh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác]

Sống giữa thời buổi loạn lạc, nhiễu nhương, năm 26 tuổi, ông quyết từ bỏ chốn quan trường về quê ngoại phụng dưỡng mẹ già ở làng Bàu Thượng, xã Tình Diệm (nay là xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh).

Hơn 40 năm náu thân ở chốn thâm sơn cùng cốc, ông miệt mài tìm kiếm khảo cứu, ươm trồng các loại cây thuốc bản địa, làm thơ, dạy học, viết sách, chữa bệnh cứu người. Nhiều lần triều đình vời về kinh, đành gánh xong bổn phận, ông lại trở về nơi ông không màng đến công danh phú quý.

Thiên nhiên con người, trí tuệ và đức cần cù… đã hun đúc ông thành một Đại danh y. Tấm gương sáng y đức, y lý, y thuật và những trước tác vô song Y tông tâm lĩnh, Thương kinh ký sự của Hải Thượng Lãn Ông trở thành kho tàng quý báu cho dân tộc ta.

Tại Khu lưu niệm Hải Thượng Lãn Ông, hàng ngàn lượt người đổ về từ sáng sớm để dâng hương ghi nhớ công ơn Đại danh y. Huyện Hương Sơn đã bố trí, sắp đặt để các đoàn, du khách và nhân dân thắp hương tại khu mộ của Lê Hữu Trác một cách trang nghiêm, tôn kính

Du khách mua các sản phẩm OCOP tại các gian hàng trưng bày ở Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông. (Ảnh: Công Tường/TTXVN)

Thầy thuốc nhân dân Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho biết kho tàng y học mà Danh y Hải Thượng Lãn Ông truyền lại là kiến thức về y học để chăm sóc người bệnh tốt nhất như chẩn đoán chính xác bệnh điều trị hiệu quả cho bệnh nhân.

Đặc biệt sử dụng nhiều thứ thuốc phù hợp từng hoàn cảnh bệnh nhân đó là những vấn đề chúng tôi luôn học tập nhằm nâng cao giá trị để cho những người làm nghề thấm sâu trong việc hành nghề của mình.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hương Sơn Hồ Thái Sơn, huyện đã tổ chức chuỗi hoạt động Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông, thông qua lễ hội này giáo dục các tầng lớp nhân dân, thanh thiếu niên học sinh hiểu biết và trân trọng những giá trị truyền thống của Đại danh y.

Trong thời gian này, huyện Hương Sơn tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao như đua thuyền trên sông Ngàn Phố, thả diều tại xã Sơn Trung và nhiều hoạt động ý nghĩa khác nhằm tuyên truyền cho nhân dân về tấm gương sáng về y đức của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục