Dâng hương tưởng niệm 140 năm ngày mất Tổng đốc Hoàng Diệu

Tại lễ dâng hương, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thành phố Hà Nội đã thành kính tưởng nhớ, tri ân công lao của Tổng đốc Hoàng Diệu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Người dân dâng hương tưởng nhớ 140 năm ngày mất Tổng đốc Hoàng Diệu. (Ảnh: TTXVN phát)

Sáng 8/4, tại Di tích Bắc Môn (Khu di sản Hoàng thành Thăng Long), Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội đã tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm 140 năm ngày mất Tổng đốc Hoàng Diệu.

Tới dự có lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, đại diện các đoàn thể và nhân dân Thủ đô.

Tại lễ dâng hương, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thành phố Hà Nội đã thành kính tưởng nhớ, tri ân công lao của Tổng đốc Hoàng Diệu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Lễ dâng hương còn là dịp để các thế hệ người Việt Nam, nhân dân Hà Nội bày tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ công lao to lớn của những người anh hùng đã chiến đấu, hy sinh, giữ thành Hà Nội, bảo vệ Tổ quốc; đồng thời góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

[Tiếp nối và phát huy hào khí Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu]

Tổng đốc Hoàng Diệu có tên chữ là Hoàng Kim Tích, tự Quang Viễn, hiệu Tĩnh Trai. Ông sinh ngày 10/2 năm Kỷ Sửu (1829) trong một gia đình có truyền thống khoa bảng tại làng Xuân Đài, Diên Phước, Quảng Nam (nay là huyện Điện Bàn - Quảng Nam).

Ông từng nhậm nhiều chức quan như tri huyện huyện Hương Trà (tỉnh thừa Thiên Huế), Tri phủ Đa Phúc (Phúc Yên), Tham tri bộ Hình, Tham tri bộ Lại kiêm Quản đô viện, Thượng thư bộ Binh.

Năm 1880, Hoàng Diệu nhậm chức Tổng đốc Hà Ninh, quản lý vùng trọng yếu nhất của Bắc Bộ là Hà Nội và vùng phụ cận. Ông đã ra sức tổ chức bố phòng Hà Nội và chăm lo đời sống của người dân.

Khi quân Pháp tấn công thành Hà Nội lần thứ hai (ngày 25/4/1882), Tổng đốc Hoàng Diệu đã chỉ huy quân lính chiến đấu dũng cảm, quyết tâm giữ thành, bất chấp triều đình Huế đã chấp nhận đầu hàng.

Tuy nhiên, trong thành có kẻ nội gián, đốt kho súng gây hỗn loạn, quân giặc lợi dụng thời cơ trèo lên cửa thành phía Tây, phá cổng rồi ồ ạt kéo vào thành.

Thành Hà Nội thất thủ, Tổng đốc Hoàng Diệu lui về hành cung, soạn di biểu tạ tội với triều đình, rồi dùng khăn chít đầu tuẫn tiết tại Võ Miếu, nêu cao khí tiết thà chết không chịu cúi đầu.

Trên Vọng Lâu Thành Cửa Bắc ngày nay thờ hai vị Tổng đốc Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu.

Cuộc đời yêu nước thương dân, tấm lòng trung nghĩa của Tổng đốc Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu được ví như vầng nhật nguyệt.

Tuy không sinh ra ở Thăng Long nhưng cả hai cụ đều hy sinh, tử tiết vì mảnh đất này, nêu cao khí tiết kiên trung, ngàn năm còn mãi với non sông đất nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục