Dâng hương nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng Tua Hai lịch sử

Đêm 25 rạng 26/1/1960, quân dân Tây Ninh bí mật áp sát và bất ngờ tấn công sở chỉ huy trung đoàn địch tại Tua Hai, nhanh chóng chiếm kho súng, lấy vũ khí địch để đánh địch.
Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và các đại biểu dâng hương tại Nhà truyền thống Khu di tích lịch sử chiến thắng Tua Hai. (Ảnh: Lê Đức Hoảnh/TTXVN)

Nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng Tua Hai lịch sử (26/1/1960-26/1/2020), chiều 5/1, Đoàn công tác của Bộ Quốc phòng đã đến dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ tại Khu di tích lịch sử chiến thắng Tua Hai, ấp Tua Hai, xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh.

Đoàn  do Thượng tướng Lê Chiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng làm trưởng đoàn.

Cùng dự lễ dâng hương có Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam; ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh; ông Phạm Văn Tân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh và trên 100 cán bộ chủ chốt thuộc Bộ Quốc phòng và tỉnh Tây Ninh.

Tua Hai là tên một tháp canh thời Pháp, sau này Mỹ-Ngụy tiếp tục xây dựng tại đây thành căn cứ quân sự chiến lược lớn.

Năm 1960, Tua Hai là kho vũ khí dự bị cho cả 3 vùng chiến thuật của quân Ngụy. Tại đây có Trung đoàn 32 thuộc Sư đoàn 13 Ngụy, cùng một trường huấn luyện biệt kích, một tiểu đoàn thường trực ứng chiến và 2 đại đội thám báo “cài cắm” trong dân.

[Phong trào Đồng khởi 1960 - Bước ngoặt của cách mạng miền Nam]

Đêm 25 rạng 26/1/1960, quân dân Tây Ninh bí mật áp sát và bất ngờ tấn công sở chỉ huy trung đoàn địch tại Tua Hai, nhanh chóng chiếm kho súng, lấy vũ khí địch để đánh địch; bắt sống, diệt và làm tan rã 2 tiểu đoàn địch; thả tại chỗ 500 tù binh, thu hơn 1.200 súng các loại và nhiều đạn dược, phá hủy nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh.

Sau đó, quân và dân ta tiếp tục đấu tranh chính trị kết hợp vũ trang, binh vận, gỡ bỏ các đồn bốt địch, giải phóng hoàn toàn 24 xã và cơ bản giải phóng 19 xã của tỉnh Tây Ninh; làm tan rã hơn 70% bộ máy chính quyền và dân vệ xã, ấp của địch. Đây là chiến thắng đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng miền Nam trên địa bàn Tây Ninh, tác động lớn đến công cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Phạm Viết Thanh và các đại biểu tham quan mô hình trận địa chiến thắng Tua Hai ngày 26/1/1960. (Ảnh: Lê Đức Hoảnh/TTXVN)

Sau trận Đồng khởi Tua Hai, phong trào nổi dậy của quần chúng, các lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng miền Nam ra đời và phát triển mạnh mẽ với những trận đánh có hiệu quả cao, tiêu diệt được nhiều quân địch trên khắp chiến trường miền Nam.

Cùng ngày, Đoàn công tác của Bộ Quốc phòng đã đến thăm, tặng quà cho gia đình chính sách, các cán bộ lão thành cách mạng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục