Đảng đối lập tại Tây Ban Nha chính thức có thủ lĩnh mới

Với việc giành được 50,2% phiếu bầu, ông Sanchez, người mới từ chức hồi tháng 10 năm ngoái do mâu thuẫn trong nội bộ đảng PSOE, đã giành thắng lợi trước đối thủ "nặng ký" là bà Susana Diaz.
Đảng đối lập tại Tây Ban Nha chính thức có thủ lĩnh mới ảnh 1Cựu Chủ tịch đảng Xã hội Pedro Sanchez trong chiến dịch tranh cử ở Zaragoza ngày 17/5. EPA/TTXVN

Ngày 21/5, đảng Xã hội (PSOE) đối lập tại Tây Ban Nha đã bầu ông Pedro Sanchez làm thủ lĩnh mới.

Kết quả này đặt ra thách thức cho chính phủ thiếu số của đảng Nhân dân (PP) cầm quyền trong việc bảo đảm sự ủng hộ cần thiết của phe đối lập tại quốc hội để có thể thông qua các đạo luật.

Với việc giành được 50,2% phiếu bầu, ông Sanchez, người mới từ chức hồi tháng 10 năm ngoái do mâu thuẫn trong nội bộ đảng PSOE, đã giành thắng lợi trước đối thủ "nặng ký" là bà Susana Diaz, người đứng đầu vùng Andalusia miền Nam Tây Ban Nha với 39,9% phiếu bầu.

Phát biểu trước sau khi kết quả trên được công bố, ông Sanchez tuyên bố xây dựng một PSOE mới để chấn hưng Tây Ban Nha, đồng thời khẳng định PSOE sẽ nỗ lực bảo vệ người dân vốn đã chán chường với tình trạng tham nhũng của đảng PP và bị ảnh hưởng bởi tình trạng mất an ninh việc làm và chính sách khắc khổ.

Kết quả cuộc bầu cử lãnh đạo PSOE đóng vai trò quyết định đối với khả năng tồn tại của chính phủ hiện nay do đảng PP cầm quyền. Ông Sanchez, 45 tuổi, vốn luôn phản đối các thỏa thuận với đảng PP theo đường lối bảo thủ cầm quyền. Ông đã cam kết sẽ có lập trường cứng rắn đối với các chính sách giải quyết thâm hụt theo hướng thân thiện với thị trường của đảng PP.

Giới quan sát nhận định với việc một lần nữa trở thành thủ lĩnh PSOE, ông Sanchez sẽ dẫn dắt đảng này theo hướng đối kháng với PP, đặt ra nguy cơ các cải cách chủ chốt của chính phủ sẽ khó được thông qua tại quốc hội và nhiều khả năng sẽ dẫn đến việc tổ chức một cuộc tổng tuyển cử mới.

Bế tắc chính trị tại Tây Ban Nha bùng phát sau cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 12/2015 do không đảng nào giành được đa số ghế quốc hội, buộc nước này phải bầu cử lần thứ 2 vào ngày 26/6/2016, song kết quả không được cải thiện.

Đảng PP cầm quyền tuy giành được nhiều ghế nhất nhưng vẫn chưa chiếm đa số để tự đứng ra thành lập chính phủ mới. Ngày 23/10/2016, đảng PSOE đối lập, đảng lớn thứ 2 tại Tây Ban Nha, đã chấp thuận mở đường cho quyền Thủ tướng Mariano Rajoy của đảng PP lên nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai, chấm dứt bế tắc chính trị kéo dài 10 tháng khiến Tây Ban Nha không thể lập được chính phủ mới và đe dọa sự phục hồi kinh tế của đất nước. Nếu không có sự chấp thuận khi đó của PSOE, ông Rajoy không thể vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại quốc hội và Tây Ban Nha phải tiến hành bầu cử lần thứ 3.

Sự việc này đã kéo theo sự chia rẽ trong nội bộ PSOE, đảng lớn thứ 2 của Tây Ban Nha, buộc ông Sanhez phải từ chức. Ông Sanhez khi đó là người phản đối thỏa thuận với PP và ủng hộ tổ chức một cuộc bầu cử mới. Mới đây, ông Rajoy đã phát đi tín hiệu sẽ không "đứng nhìn" phe đối lập hủy hoại chính phủ thiểu số của đảng PP, đồng thời để ngỏ khả năng sẽ kêu gọi tổ chức cuộc bầu cử mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục