Năm APEC 2017: Trọng tâm đối ngoại của Việt Nam

"Đăng cai Năm APEC 2017 là một trọng tâm đối ngoại của Việt Nam"

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, đăng cai tổ chức Năm APEC 2017 là một trọng tâm đối ngoại của Việt Nam đến năm 2025 nhằm triển khai chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện...
Thứ Trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Philippines Benigno Aquino III, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang và Phu nhân sẽ tham dự Hội nghị các nhà Lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 23 tổ chức tại Manila, Philippines từ ngày 17-19/11/2015.

Nhân dịp này, Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời phỏng vấn báo chí. Sau đây là nội dung phỏng vấn:

- Xin Thứ trưởng cho biết nội dung và ý nghĩa của chủ đề của năm APEC 2015 tại Philippines?

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: Năm APEC 2015 diễn ra trong tình hình thế giới và khu vực có những chuyển biến nhanh và phức tạp, kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm và tiềm ẩn nhiều rủi ro, song hợp tác và liên kết kinh tế châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục phát triển mạnh mẽ.

Trong bối cảnh đó, Philippines đã lựa chọn chủ đề cho Năm APEC 2015 là “Phát triển kinh tế đồng đều, xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn” với bốn ưu tiên chính, gồm: đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực, tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (MSMEs), đầu tư phát triển nguồn nhân lực, và xây dựng cộng đồng bền vững và tự cường.

Với các ưu tiên trên, Philippines đặc biệt đề cao các nội hàm hợp tác về MSMEs, an ninh lương thực, ứng phó thiên tai, phát triển nguồn nhân lực, bình đẳng giới... Bởi lẽ, các nội hàm hợp tác này vừa tạo ra những động lực mới cho tăng trưởng khu vực, vừa góp phần xây dựng cộng đồng bền vững và tự cường.

Có thể nói, chủ đề và các ưu tiên hợp tác Philippines lựa chọn phù hợp với xu thế chung của thế giới, với thỏa thuận quan trọng mà Liên hợp quốc vừa đạt được trong năm nay về Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, cũng như mục tiêu của ASEAN là xây dựng một cộng đồng hướng tới người dân và vì người dân. Do đó, chủ đề và các ưu tiên hợp tác của Năm APEC 2015 đã nhận được sự ủng hộ tích cực các nền kinh tế thành viên.

Trong quá trình xây dựng và lựa chọn chủ đề, Philippines đã tiến hành nghiên cứu và tham vấn kỹ với các thành viên APEC, Ban Thư ký APEC, cộng đồng doanh nghiệp, và sử dụng các mạng lưới của viện nghiên cứu và học giả… để xác định các định hướng hợp tác phù hợp kể trên. Đây cũng là kinh nghiệm cần học hỏi để chúng ta chuẩn bị tốt cho năm APEC Việt Nam 2017.

- Việc tham gia các hội nghị APEC 2015 lần này có ý nghĩa thế nào đối với việc chuẩn bị cho Việt Nam là chủ nhà của APEC 2017?

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: Đăng cai tổ chức Năm APEC 2017 là một trọng tâm đối ngoại của Việt Nam đến năm 2025 nhằm triển khai chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện và nâng tầm đối ngoại đa phương, nhất là ở châu Á-Thái Bình Dương. Với thế và lực của đất nước không ngừng nâng cao và kinh nghiệm tổ chức thành công năm APEC 2006, việc lần thứ hai đăng cai Năm APEC sẽ là đóng góp quan trọng nhất của nước ta đối với Diễn đàn trong bối cảnh mới. Chúng ta đã có kinh nghiệm năm 2006.

Tuy nhiên, việc ta đăng cai APEC lần này diễn ra trong giai đoạn phát triển quan trọng của đất nước; trong cục diện thế giới và khu vực tiếp tục chuyển biến nhanh và phức tạp; vai trò APEC trong cục diện khu vực ngày càng được củng cố, nội hàm liên kết ngày càng sâu rộng; đồng thời vị thế quốc tế của nước ta cũng có bước chuyển vượt bậc.

Song song với triển khai công tác chuẩn bị trong nước, việc tham gia tích cực các hoạt động của năm APEC 2015, đặc biệt chuẩn bị cho Đoàn Chủ tịch nước ta tham gia Tuần lễ Cấp cao là một hoạt động đối ngoại ưu tiên của năm 2015, đồng thời cũng là một nhiệm vụ trọng tâm để chuẩn bị cho Năm 2017. Theo đó, từ đầu năm, chúng ta đã tích cực đóng góp các ý kiến, ý tưởng cho các hội nghị APEC từ cấp làm việc đến cấp cao, đặc biệt tại các Hội nghị Quan chức cao cấp (SOM), các Hội nghị Bộ trưởng và Tuần lễ Cấp cao sắp tới.

Đến nay, các nền kinh tế thành viên ghi nhận và đánh giá tích cực các ý kiến, sáng kiến và đóng góp của ta trong các lĩnh vực ứng phó thiên tai, năng lượng, an ninh lương thực, phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ các MSMEs tham gia thị trường quốc tế... và đây sẽ là chất liệu, là cơ sở để tiếp tục chuẩn bị cho Năm APEC 2017.

Tham gia APEC Philippines năm nay, chúng ta cũng tranh thủ trao đổi, học hỏi thêm được rất nhiều kinh nghiệm từ chủ nhà Philippines và các nền kinh tế chủ nhà các năm trước về công tác chuẩn bị và tổ chức, từ mảng cơ sở vật chất, lễ tân hậu cần đến xây dựng nội dung, đào tạo đội ngũ... Chỉ còn hơn một năm nữa, tháng 12 năm 2016 chúng ta sẽ tổ chức các hoạt động đầu tiên của Năm APEC 2017 là Hội nghị Quan chức cao cấp không chính thức (ISOM).

Theo kinh nghiệm của các nước, Việt Nam phải triển khai công tác chuẩn bị thật khẩn trương, chu đáo, đồng bộ trên tất cả các mảng việc để có thể tổ chức thành công Năm APEC 2017./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục