Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam: Bản lĩnh vượt qua thử thách

Mặc dù chịu tác động kép của dịch bệnh Covid-19 và giá dầu giảm sâu song trong 6 tháng đầu năm 2020, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Tập đoàn vẫn đạt 13,5 nghìn tỷ đồng.
Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam: Bản lĩnh vượt qua thử thách ảnh 1Trụ sở Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đại hội đại biểu Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam lần thứ III nhiệm kỳ 2020-2025 có nhiệm vụ kiểm điểm kết quả việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ II; quyết định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp 5 năm tới của Đảng bộ.

Đại hội được tiến hành theo phương châm: “Bản lĩnh - Trách nhiệm - Đoàn kết - Đổi mới - Hành động”, với chủ đề: “Xây dựng Đảng bộ vững mạnh toàn diện, phát triển Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Tập đoàn) giữ vai trò nòng cốt thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam”.

[PVN: Nỗ lực vượt ''khủng hoảng kép'' đưa các dự án về đích]

Theo đại diện PVN, trong 5 qua, tình hình thế giới và khu vực chuyển biến nhanh, phức tạp và khó dự đoán, trong đó có sự khủng hoảng suy giảm của thị trường dầu mỏ.

Bên cạnh đó, cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 cùng với xu hướng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, năng lượng mới tác động mạnh mẽ đến các ngành, lĩnh vực trên thế giới, trong đó có ngành Dầu khí.

Với ngành dầu khí trong nước, giai đoạn 2015 - 2020 cũng phải đối mặt với những khó khăn, thách thức rất lớn. Theo đó, việc giá dầu thô liên tiếp giảm sâu và giữ ở mức thấp và khủng hoảng do dịch bệnh COVID-19 đã tác động trực tiếp đến mọi mặt hoạt động của Tập đoàn.

Ngoài ra, các đơn vị dịch vụ, trung nguồn và hạ nguồn chịu chung tác động khó khăn từ khâu thượng nguồn; thị trường, việc làm, thu nhập của người lao động…

Đóng góp lớn cho nền kinh tế đất nước

Theo PVN, công tác điều tra cơ bản và tìm kiếm thăm dò dầu khí ở trong nước đã được Tập đoàn triển khai theo chương trình công tác và ngân sách được phê duyệt, đảm bảo hiệu quả, tối ưu dòng tiền phù hợp với từng loại hình dự án tìm kiếm, thăm dò, phát triển khai thác.

Tập đoàn đã hoàn thành công tác thu nổ địa chấn 2D thuộc dự án PVN-15 và thu nổ địa chấn 3D theo chương trình công tác hằng năm của các lô hợp đồng dầu khí.

Trong 5 năm qua, Tập đoàn hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch khai thác dầu khí hằng năm Chính phủ giao (kể cả giao bổ sung tăng thêm như năm 2017): với tổng sản lượng khai thác dầu khí ước đạt 150,3 triệu tấn quy dầu, vượt 0,2% chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra. Công tác tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí còn góp phần quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển.

Cùng với đó, hạ tầng ngành công nghiệp khí dần được hoàn thiện, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Hệ thống các đường ống dẫn khí được vận hành an toàn, cung cấp khí ổn định cho các hộ tiêu thụ công nghiệp và tiêu dùng dân sinh. Nguồn khí được cung cấp để sản xuất điện chiếm 31-33% sản lượng điện toàn quốc;  trong khi sản xuất đạm trên 1,6 triệu tấn/năm, chiếm 70-75% nhu cầu nội địa.

Các dự án trong lĩnh vực chế biến dầu khí được tập trung triển khai; sản xuất xăng dầu ước đạt 52,74 triệu tấn, vượt 1,4% chỉ tiêu; Sản xuất đạm ước đạt 9,72 triệu tấn, vượt 23% chỉ tiêu Nghị quyết đề ra, đáp ứng 70-75% nhu cầu đạm trên thị trường và bước đầu đã xuất khẩu.

Ngoài ra, sản xuất điện ước đạt 128,84 tỷ kWh, đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra, chiếm khoảng 10-12% tổng sản lượng điện thương phẩm toàn quốc, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Đầu nhiệm kỳ, lĩnh vực dịch vụ dầu khí của Tập đoàn gặp nhiều khó khăn do giá dịch vụ và khối lượng công việc suy giảm theo diễn biến của giá dầu; các nhà thầu dầu khí dừng hoặc giãn, cắt giảm khối lượng công việc và giá dịch vụ, công tác phát triển dịch vụ ra nước ngoài gặp nhiều khó khăn do sự cạnh tranh khốc liệt…

Hai năm 2018-2019, giá dầu phục hồi đã giúp lĩnh vực dịch vụ dầu khí có chuyển biến tương đối thuận lợi, doanh thu dịch vụ dầu khí 5 năm 2016-2020 đạt 895.000 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước từ lĩnh vực dịch vụ 5 năm đạt 55,1 nghìn tỷ đồng.

Cũng theo đại diện PVN, Tập đoàn đã tích cực tham gia phát triển hợp lý hệ thống phân phối xăng dầu nhằm góp phần bảo đảm lưu thông và bình ổn thị trường tiêu thụ; tăng cường các giải pháp gia tăng dự trữ về dầu thô và sản phẩm xăng dầu để góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

“Hiện tại thị phần phân phối xăng dầu trong nước của Tập đoàn (thông qua PVOil) chiếm trên 14%, với sản lượng trung bình khoảng 3,0-3,07 triệu tấn/năm đứng thứ hai, sau Petrolimex,” đại diện PVN cho hay.

Từ nỗ lực trong sản xuất-kinh doanh, kết quả tổng doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 3.514,6 nghìn tỷ đồng, vượt 6,5% chỉ tiêu, lợi nhuận sau thuế hợp nhất Tập đoàn ước đạt 244,4 nghìn tỷ đồng, vượt 6,3% chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.

Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam: Bản lĩnh vượt qua thử thách ảnh 2Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn. (Ảnh: PV/Vietnam+)

3 giải pháp đột phá mang lại kết quả

Thực hiện các chủ trương lớn của Đảng, Đảng ủy Tập đoàn đã chỉ đạo công tác tái cơ cấu bộ máy điều hành, hoàn thiện cơ cấu tổ chức, nhân sự và tinh gọn, bước đầu đã nâng cao vai trò và hiệu quả điều hành.

Tập đoàn đã tập trung triển khai thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn giai đoạn 2017-2020 theo đúng tiến độ; thực hiện thành công thoái vốn tại 2 đơn vị, cổ phần hóa tại 3 đơn vị.

Từ đầu năm 2020, trước tác động kép của dịch bệnh Covid-19 và giá dầu giảm sâu, Tập đoàn đã chủ động theo phương châm “Quản trị biến động, tối ưu giá trị, đẩy mạnh tiêu thụ, nỗ lực vượt khó, nắm bắt cơ hội, an toàn về đích”, tổ chức thực hiện quyết liệt và đồng bộ gói giải pháp cấp bách để ứng phó với tác động kép của dịch bệnh Covid-19 và giá dầu giảm.

Sau thời gian quyết liệt triển khai đồng bộ, bước đầu Tập đoàn đã đạt được những kết quả khích lệ. Trong 6 tháng đầu năm 2020, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Tập đoàn đạt 13,5 nghìn tỷ đồng.

“Nếu không thực hiện hiệu quả 5 nhóm giải pháp quản trị thì Tập đoàn sẽ thua lỗ giống như nhiều công ty dầu khí khác trên thế giới,” đại diện PVN thông tin thêm.

Đến nay, PVN đã đầu tư nghiên cứu đánh giá tiềm năng triển vọng dầu khí phục vụ cho công tác gia tăng trữ lượng, nghiên cứu chế tạo, nghiên cứu định hướng và đặc biệt là nghiên cứu ứng dụng để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đặc biệt, khâu đầu đã ứng dụng các công nghệ mới trong xử lý và minh giải số liệu địa chấn, địa vật lý giếng khoan giúp nâng cao độ tin cậy và chính xác hóa các kết quả xử lý và phân tích; xây dựng mô hình địa chất, thiết kế mô hình mô phỏng khai thác, công nghệ khoan và hoàn thiện giếng giúp giảm thiểu rủi ro trong thi công khoan; trong quản lý và vận hành khai thác góp phần duy trì và gia tăng sản lượng khai thác, bảo đảm an toàn mỏ...

Còn ở lĩnh vực khâu sau, điện và khí, ứng dụng các công nghệ mới của nước ngoài trong thiết kế, vận hành và duy trì hoạt động góp phần nâng cao hiệu quả của các nhà máy.

Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam: Bản lĩnh vượt qua thử thách ảnh 3Tập thể Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khóa II. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tổ chức Đảng giữ vai trò hạt nhân

Cũng theo đại diện PVN, Đảng uỷ Tập đoàn đặc biệt quan tâm xây dựng hệ thống và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở đảng; củng cố, sắp xếp, kiện toàn tổ chức cơ sở đảng trong Đảng bộ và đoàn thể đồng bộ với quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp.

Công tác cơ sở đảng, đảng viên và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt cấp ủy các cấp được cải tiến và nâng cao chất lượng.

Công tác kiểm tra, giám sát, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, thi hành kỷ luật đảng và phòng chống tham nhũng, lãng phí được thực hiện bảo đảm đúng phương hướng, phương châm, nguyên tắc, thủ tục, quy trình... Trong nhiệm kỳ đã nghiêm túc thực hiện quyết định kiểm tra, kết luận kiểm tra của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và của Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương, chủ động rà soát, khắc phục các hạn chế, tồn tại liên quan đến nội dung kiểm tra.

Nhìn lại nhiệm kỳ 2015-2020 của Đảng bộ Tập đoàn có thể khẳng định, tổ chức đảng các cấp trong toàn Đảng bộ đã giữ vai trò hạt nhân, lãnh đạo toàn diện, đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng.

Cùng với đó, công tác xây dựng Đảng, đoàn thể trong Tập đoàn được củng cố theo hướng thiết thực, hiệu quả. Tổ chức bộ máy của doanh nghiệp được tái cơ cấu với quyết tâm chính trị cao. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng được thực hiện toàn diện, đồng bộ, có hiệu lực, hiệu quả hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục