Dân ven sông Bến Tre thấp thỏm lo nhà bị sông "nuốt chửng"

Dân ven sông Bến Tre thấp thỏm lo nhà bị dòng sông "nuốt chửng"

Sau mỗi trận mưa lớn, bờ sông Bến Tre lại sạt lở nghiêm trọng khiến các hộ dân sinh sống ven sông thấp thỏm nỗi lo tính mạng và tài sản của họ có thể bị dòng sông "nuốt chửng" bất cứ lúc nào.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Từ nhiều năm nay, các hộ dân sống gần khu vực cầu Cẩm Trạch, xã Đạo Tú, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc, phải sống trong cảnh thấp thỏm lo sợ vì hiện tượng lún, sụt lở ven sông Bến Tre ngày càng lún sâu và lan rộng.

Theo phản ánh của các hộ dân, tình trạng sụt lún đã xảy ra liên tiếp trong vòng 4 năm trở lại đây. Sau mỗi trận mưa, nhiều vạt đất thổ cư, cây cối, vườn tược của các hộ dân sinh sống dọc hai bên bờ kè đã bị "trôi sông."

Ông Lê Văn Khiêm (xã Đạo Tú, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc), một hộ dân bị ảnh hưởng nặng nề, cho biết qua nhiều đợt sụt lún, toàn con đường dẫn vào nhà ông đã bị sụt lún, nhà cửa nhiều chỗ bị rạn, nứt. Hiện nay, gia đình ông và ba hộ dân khác không có đường đi vào nhà mà phải thuê đường đi từ một hộ dân khác.

Chỉ vào khoảng sân trước nhà ngày càng sụt lún sâu và nứt nẻ, ông Khiêm cho biết thêm, cứ hôm nào trời mưa bão to, gia đình ông lại phải rời khỏi nhà đi trú nơi khác do lo sợ sụt lún bất cứ lúc nào. Hầu hết các hộ tại khu vực này giải pháp khắc phục vẫn chỉ là tạm thời như chống nhà, đóng cọc bao, đổ đất…

Hàng xóm nhà ông Khiêm là chị Nguyễn Thị Hà cũng chung tình cảnh, vết lún sạt bờ sông đã ăn sát cách nhà chị chỉ chừng vài mét. Gia đình chị Hà đã mua hàng trăm xe tải đất đá gia cố nhưng không ngăn được sự sạt lở. Giữa sân nhà chị đã xuất hiện nhiều vết lún, rạn kéo dài khiến chị lo sợ chỉ cần vài cơn mưa to là cả ngôi nhà sẽ bị dòng sông "nuốt chửng."

Nhiều năm nay, gia đình chị cũng không có lối vào nhà mà phải đi nhờ cổng của hộ dân bên cạnh.

Ở kế bên, gia đình bà Đỗ Thị Đông đã phải đập bỏ căn nhà bếp và khu vườn để xây dịch chuyển bên trong do sợ ngôi nhà có thể đổ ụp xuống sông bất kể lúc nào. Bà Đông cho biết cứ mỗi mùa mưa, gia đình bà lại bị sụt lún thêm vài mét đất.

Tìm hiểu nguyên nhân, các hộ dân bị ảnh hưởng ở đây cho biết tuyến kè đê sông Bến Tre do chất lượng thi công kém nên sau một thời gian, toàn bộ phần kè đã bị sạt lở kéo theo sự sụt lún của các hộ gia đình hai bên bờ kè.

Theo quan sát của phóng viên, không chỉ có các hộ dân hai bên bờ kè bị ảnh hưởng sụt lún mà hai bên đầu cầu Cẩm Trạch, nằm trên đường 310, xã Đạo Tú, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Do phần kè bị sụt lún nên hai bên đầu cầu cũng bị sạt lở theo, tạo thành những hố sâu bên dưới gầm cầu, mặt cầu bắt đầu xuất hiện những vết rạn, nứt. Đơn vị thi công đã gia cố tạm thời bằng cách nhét các bao tải đất vào gầm cầu nhưng cứ mỗi đợt mưa, chân cầu lại bị xói mòn hơn.

Trao đổi với chủ đầu tư dự án bờ kè sông Bến Tre về tình trạng sạt lở, ông Lê Ngọc Minh, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án công trình giao thông, Sở Giao thông vận tải tỉnh Vĩnh Phúc cho biết Sở Giao thông vận tải là đơn vị chủ đầu tư dự án nhưng đã giao cho một đơn vị thi công khác là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Quang Hưng thi công phần bờ kè dọc hai bên cầu Cẩm Trạch.

Khi nhận được phản ánh của các hộ dân về tình trạng sạt lở bờ kè sông và cầu, đại diện Sở đã xuống địa bàn kiểm tra và yêu cầu đơn vị thi công gia cố, tìm phương án khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, do điều kiện và cấu tạo địa chất tại đây nên sau nhiều lần gia cố, khắc phục, tình trạng sạt lở vẫn tiếp tục diễn ra.

Hiện nay, Sở Giao thông đã tìm được phương án thi công phù hợp nhất với hiện trạng đất đai vùng bờ kè sông Bến Tre và chờ Ủy ban Nhân dân tỉnh cấp nguồn kinh phí để thi công, ông Lê Ngọc Minh cho biết thêm./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục