Dân vạn chài giữ môi trường cho di sản Hạ Long

Từ việc "hồn nhiên" xả rác ra biển, người dân vạn chài sống trên Vịnh Hạ Long hiện đã biết bảo vệ môi trường bằng nhiều biện pháp.
Thấy khách cầm rổ vỏ ốc chực đổ xuống biển, chị Đinh Thị Thành vội vàng ngăn lại rồi đem đổ vào chiếc thùng nhựa màu vàng có ghi dòng chữ “rác vô cơ.” Trong khi vị khách “mắt tròn mắt dẹt” vì “thói quen lạ” mà hai năm trước khi ra làng chài Cửa Vạn (phường Hùng Thắng, Hạ Long, Quảng Ninh) anh còn thấy người dân xả rác bừa bãi, thì chị Thành đã nhoẻn cười: “Phải bảo vệ môi trường cho Vịnh chứ...!”
“Chuyện lạ” ở Cửa Vạn
Khi khách còn chưa kịp hiểu, thì chị Thành đã nhanh nhảu chỉ tay vào… 3 thùng rác đặt cạnh khu vực rửa bát rồi bảo: thùng màu xanh để rác hữu cơ, màu vàng để rác vô cơ còn thùng inox thì để xỉ than. “Lạ đúng không anh? Người Hà Nội chắc gì đã vứt rác ‘quy củ’ như dân chài lưới tụi em ở đây,” quệt vệt mồ hôi trên gò má đen sạm vì nắng gió biển khơi, giọng chị Thành đầy vẻ tự hào. Theo lời chị, bao đời nay người dân làng chài trên Vịnh Hạ Long nói chung và ở Cửa Vạn nói riêng vẫn quen với thói quen “tự nhiên” từ cách ăn uống, ngủ nghỉ và… xả rác ra biển. Thế nhưng, từ khi có dự án “Hỗ trợ Xây dựng Hệ thống Tuần hoàn tài nguyên trên vịnh Hạ Long có sự tham gia của địa phương” do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ, chị Thành cũng như bao người đã có cách ứng xử với môi trường rất khác. Này nhé, rác vô cơ, xỉ than sau khi gom lại sẽ được đơn vị dọn vệ sinh môi trường chèo thuyền chở đến đảo Ti Tốp để xử lý hoặc đưa vào đất liền. Còn rác hữu cơ thì được tận dụng triệt để bằng cách ủ làm phân bón… để chăm sóc cây xanh trên đảo. Không những thế, người dân còn được các chuyên gia của JICA hướng dẫn cách sử dụng… giẻ rửa bát mới. Thoạt nghe cứ tưởng chuyện đùa, thế nhưng từ khi thay giẻ rửa bát bằng những mảnh lưới nhỏ sang sử dụng giẻ len Acrylic, người dân làng chài đã tiết kiệm được cả nước lẫn chất tẩy rửa. “Nếu rửa bằng giẻ lưới, chúng em phải tráng bát bằng nước ngọt 3 lần thì mới sạch nước rửa bát, còn loại giẻ mới này thì số lần tráng là 2,” chị Phương, một người dân Cửa Vạn hồ hởi. Cũng theo lời chị, cuộc sống ngư dân vạn chài lênh đênh trên biển nên việc tiết kiệm nước ngọt là rất cần thiết, nhất là khi nguồn tài nguyên này phải mua với giá trung bình 50.000 đồng/m3. Theo ông Nguyễn Văn Long, Khu trưởng khu Cửa Vạn, chưa nói đến chuyện tiết kiệm về kinh tế, chính việc để rác quy củ đã làm cuộc sống của 116 hộ dân với 554 nhân khẩu ở làng chài sạch sẽ hơn, tỷ lệ trẻ em mắc bệnh đường ruột theo đó cũng giảm… Ngoài ra, việc bảo vệ môi trường trong lành cũng đem lại rất nhiều cái lợi cho người vạn chài. Đó chính là việc khách du lịch đến với Cửa Vạn ngày một nhiều và nơi đây đã hình thành một tổ đội chuyên chở thuyền đưa du khách đi khám phá cuộc sống của người dân. Môi trường sạch cũng khiến việc nuôi trồng hải sản dễ dàng hơn…
Dân vạn chài giữ môi trường cho di sản Hạ Long ảnh 1
Nhờ ý thức người dân, môi trường làng chài đã được cải thiện đáng kể. (Ảnh: T.H/Vietnam+)
Ươm mầm xanh ý thức Theo báo cáo của Tỉnh đoàn Quảng Ninh, ngoài việc hướng dẫn người dân thay đổi thói quen sống bền vững, thân thiện với môi trường, dự án của JICA cùng phía đối tác Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động lý thú nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân Hạ Long. Có thể kể ra đây như tổ chức 900 buổi giao lưu văn nghệ; gần 2.000 buổi tọa đàm, diễn đàn, sinh hoạt liên quan đến bảo vệ môi trường; gần 500 buổi ra quân làm sạch môi trường Vịnh Hạ Long; trồng rừng ngập mặn… Trong số rất nhiều hoạt động ấy, phải kể đến những tiết học môi trường cho các em trên các làng chài. Tại đây, những đứa trẻ biển khơi sẽ được học cách dùng đĩa Secchi để đo độ đục, độ trong của nước biển. Bằng cảm quan của mình, các em có thể biết được nước biển đã bị ô nhiễm như thế nào và nhờ sự chỉ bảo của các cô giáo sẽ sẽ hình thành ý thức bảo vệ môi trường. Đánh giá cao kết quả của dự án trong việc giúp người dân thay đổi hành vi, nhận thức về vấn đề môi trường trên Vịnh Hạ Long, ông Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh khẳng định bảo vệ môi trường là một trong những mục tiêu hàng đầu của tỉnh. Cụ thể, đến năm 2015-2017, Quảng Ninh sẽ loại bỏ các tàu thuyền trên không đạt tiêu chuẩn, xây dựng các dự án xử lý nước thải, chấm dứt khai thác than lộ thiên quanh Vịnh Hạ Long… Nói về việc ươm những “mầm ý thức,” vị lãnh đạo của Quảng Ninh cho hay ông “rất cảm động khi thấy các em học sinh - tương lai của Vịnh Hạ Long tham gia vào dự án bảo vệ môi trường.” Phấn khởi trước việc nâng cao ý thức của người dân trong 3 năm triển khai dự án, song Giáo sư Koji Otsuka (Trường Đại học phủ Osaka), Giám đốc dự án cũng thừa nhận trong nhận thức của người dân chưa thực sự đồng đều. Về phần mình, dự án đã chỉ cho người dân cách thức làm thế nào để bảo vệ môi trường khi sống trên Vịnh, giúp họ thay đổi thái độ và chính người Việt sẽ phải bước tiếp khi dự án kết thúc vì chính cuộc sống trong lành của mình. Rời khỏi Vịnh Hạ Long khi ánh chiều đã khuất sau rặng núi phía tây, những ngư dân đang tất tả chuẩn bị một chuyến đi câu đêm, từ sự ngạc nhiên ban đầu chúng tôi thấy thật ấm lòng bởi người dân nơi đây đã biết chung sống bền vững với môi trường. Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của tỉnh Quảng Ninh, hy vọng những “mầm ý thức” mà dự án của JICA gieo trồng sẽ mọc lên thật xanh tốt, để Vịnh Hạ Long mãi xanh-sạch, xứng đáng là kỳ quan thiên nhiên thế giới./.
Dự án “Hỗ trợ Xây dựng Hệ thống Tuần hoàn tài nguyên trên vịnh Hạ Long có sự tham gia của địa phương” do JICA tài trợ có tổng kinh phí khoảng 50 triệu Yên (tương đương khoảng trên 13 tỷ đồng), được tiến hành trong thời gian từ tháng 10/2009 - 9/2012. Mục tiêu của dự án nhằm cải thiện môi trường và xây dựng cộng đồng bền vững quanh Vịnh Hạ Long.

Giáo sư Koji Otsuka cho phóng viên Vietnam+ biết, giai đoạn 2 của dự án đang được lập để trình JICA phê duyệt. Theo đó, giai đoạn này cũng có thời gian 3 năm (từ 4/2013 - 3/2016) với tổng số vốn 50 triệu Yên.
Trung Hiền (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục