Dần thoát tác động của COVID-19, kinh tế Nhật Bản tăng mạnh vào quý 3

So với quý trước, kinh tế Nhật Bản tăng 5%, so với mức dự báo và đang thoát khỏi suy thoái. Chi tiêu cá nhân, lĩnh vực đóng góp hơn 50% nền kinh tế, trong quý 3 tăng 4,7% so với quý trước.
Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo số liệu công bố ngày 16/11 của Văn phòng Nội các Nhật Bản, kinh tế nước này trong quý 3/2020 tăng 21,4% so với cùng kỳ năm ngoái, phục hồi mạnh sau khi giảm kỷ lục thời hậu chiến, một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang dần thoát khỏi tác động từ đại dịch COVID-19.

Đó là quý đầu tiên kinh tế Nhật Bản tăng trưởng trong bốn quý, sau khi giảm 28,8% trong quý 2. Trong khi đó, mức dự báo trung bình của thị trường là tăng 18,9%.

So với quý trước, kinh tế Nhật Bản tăng 5%, so với mức dự báo là tăng 4,4% và đang thoát khỏi suy thoái. Chi tiêu cá nhân, lĩnh vực đóng góp hơn 50% nền kinh tế, trong quý 3 tăng 4,7% so với quý trước, sau khi lao dốc trong quý 2 do các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch.

[Dịch COVID-19: Nhật Bản nguy cơ đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ ba]

Nhu cầu bên ngoài, được tính bằng xuất khẩu trừ đi nhập khẩu, đóng góp 2,9 điểm phần trăm trong tăng trưởng GDP, nhờ sự phục hồi của nhu cầu bên ngoài đẩy xuất khẩu tăng 7%.

Tuy nhiên, chi tiêu vốn giảm 3,4%, đánh dấu quý giảm thứ hai liên tiếp, cho thấy sự không chắc chắn về tác động của đại dịch đang ảnh hưởng đến lòng tin kinh doanh.

Nhật Bản cho đến nay đã công bố hai gói kích thích có tổng trị giá 2.200 tỷ USD để giảm bớt tác động của đại dịch, trong đó có các biện pháp hỗ trợ tiền mặt cho các gia đình và cấp các khoản vay cho các doanh nghiệp nhỏ.Thủ tướng Yoshihide Suga đã chỉ đạo Nội các xem xét soạn thảo một gói kích thích mới khi đại dịch vẫn tiếp tục gây tác động.

Nhiều nhà phân tích nhận định không nhiều khả năng nền kinh tế Nhật Bản phục hồi mạnh hơn, khi chi tiêu tiêu dùng vẫn yếu và sự gia tăng trở lại số ca mắc mới COVID-19 ở các nước khác đã tác động tiêu cực đến triển vọng của kinh tế nước này.

Dù có những dấu hiệu cải thiện trong những tháng gần đây, các nhà phân tích cho rằng nền kinh tế lớn thứ ba thế giới sẽ giảm 5,6% trong tài khóa 2020 (kết thúc vào tháng 3/2021) và có thể mất nhiều năm để quay về mức trước đại dịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục