Rùa hồ Gươm đã được dẫn về khu vực khám chữa trị tại chân tháp Rùa chiều nay (3/4) sau gần 2 giờ triển khai công việc. Công tác khám chữa bệnh cho “cụ” rùa sẽ nhanh chóng được tiến hành trong thời gian tới.
Như Vietnam+ đã đưa tin, sáng nay lực lượng chức năng đã tập kết từ rất sớm tại hồ Gươm để bắt đầu cho “chiến dịch” đưa rùa hồ Gươm về khu vực chữa trị lần 2.
Khoảng 9 giờ sáng, tấm lưới mới và lồng sắt được chở tới tập kết tại khu vực bờ hồ. Ngay sau đó, hai chiếc thuyền được neo với nhau đã đưa chiếc lồng sắt ra khu vực giữa hồ. Chiếc lồng được thiết kế khá chắc chắn với lưới mắt cáo và gia cố bằng khung sắt lớn. Dự kiến chiếc lồng này sẽ là nơi "cụ" Rùa được lùa từ lưới vào.
Kỹ càng hơn, lực lượng chức năng chưa bắt tay ngay vào việc mà tập dượt lại lần cuối trước khi chính thức thực hiện. Những bài tập giăng lưới, tổ chức tập đưa lồng thép từ giữa hồ vào chân tháp Rùa đã được thực hiện khá thành thục.
15 giờ cùng ngày, ngay khi phát hiện được tăm rùa, lưới vây bắt rùa nhanh chóng được giăng ra tại khu vực đường Lê Thái Tổ, đoạn gần đền Ngọc Sơn. Hàng trăm người dân hiếu kỳ ngay lập tức đã vây kín khu vực này.
Trong vòng một giờ tiếp theo, diện tích vòng vây lưới ngày càng được thu hẹp. Tới thời điểm 16 giờ, chiếc lưới đã được rút gọn đáng kể, chỉ còn chừng 20 m2. Đám đông người đứng trên bờ được một phen nín thở đợi thời khắc “cụ” rùa chui vào lồng. Tuy nhiên, chính thời điểm này, “cụ” rùa lại khiến nhiều người chưng hửng khi phá tung lớp lưới bên trong thoát ra ngoài. Tuy nhiên, mọi việc vẫn trong tầm kiểm soát khi lớp lưới lớn vẫn rất vững chãi.
Không nản lòng, hàng chục công nhân tiếp tục quây lưới lại từ đầu. 16 giờ 30 phút, sau hơn 1 tiếng vật lộn, rùa hồ Gươm đã chính thức được đưa vào chiếc lồng thép lớn. Ngay lập tức, lồng giữ rùa Hồ Gươm được hai chiếc thuyền “hộ tống” đưa về khu vực chân tháp.
Đến 17 giờ, "cụ" rùa đã chính thức được đưa vào khu vực chữa trị ở chân tháp Rùa.
Theo phác đồ điều trị mà ban chỉ đạo cứu rùa hồ Gươm công bố trước đó, ngay khi dẫn được rùa hồ Gươm về nơi chữa trị, lực lượng chức năng sẽ tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm để tìm tác nhân gây bệnh. Quá trình này cũng sẽ kết hợp phân loại hình thái, xác định giới tính, thu mẫu AND để có các hoạt động nghiên cứu sau này. Sau đó, các chuyên gia sẽ phân tích tác nhân gây bệnh và xây dựng phác đồ điều trị cụ thể rồi mới quyết định chủng loại thuốc, tính toán liều lượng thuốc cần dùng.
Trước đó, ngày 8/3 cuộc vây bắt lần thứ nhất đã được tổ chức nhưng không thành công. Với 6 tiếng phải ngâm mình trong nước, lực lượng chức năng không thu được mấy kết quả khi “cụ” rùa phá tan cả 2 lớp lưới và thoát ra ngoài. Lý do, theo nhiều chuyên gia là vì chiếc lưới quá mỏng và chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt lực lượng.
Trong khoảng thời gian gần 1 tháng từ lần bắt hụt trước, lực lượng chức năng đã tổ chức 2 lần diễn tập bắt rùa. Hệ thống lưới mới cũng đã được cải tiến cho lần bắt thứ 2 này./.
Như Vietnam+ đã đưa tin, sáng nay lực lượng chức năng đã tập kết từ rất sớm tại hồ Gươm để bắt đầu cho “chiến dịch” đưa rùa hồ Gươm về khu vực chữa trị lần 2.
Khoảng 9 giờ sáng, tấm lưới mới và lồng sắt được chở tới tập kết tại khu vực bờ hồ. Ngay sau đó, hai chiếc thuyền được neo với nhau đã đưa chiếc lồng sắt ra khu vực giữa hồ. Chiếc lồng được thiết kế khá chắc chắn với lưới mắt cáo và gia cố bằng khung sắt lớn. Dự kiến chiếc lồng này sẽ là nơi "cụ" Rùa được lùa từ lưới vào.
Kỹ càng hơn, lực lượng chức năng chưa bắt tay ngay vào việc mà tập dượt lại lần cuối trước khi chính thức thực hiện. Những bài tập giăng lưới, tổ chức tập đưa lồng thép từ giữa hồ vào chân tháp Rùa đã được thực hiện khá thành thục.
15 giờ cùng ngày, ngay khi phát hiện được tăm rùa, lưới vây bắt rùa nhanh chóng được giăng ra tại khu vực đường Lê Thái Tổ, đoạn gần đền Ngọc Sơn. Hàng trăm người dân hiếu kỳ ngay lập tức đã vây kín khu vực này.
Trong vòng một giờ tiếp theo, diện tích vòng vây lưới ngày càng được thu hẹp. Tới thời điểm 16 giờ, chiếc lưới đã được rút gọn đáng kể, chỉ còn chừng 20 m2. Đám đông người đứng trên bờ được một phen nín thở đợi thời khắc “cụ” rùa chui vào lồng. Tuy nhiên, chính thời điểm này, “cụ” rùa lại khiến nhiều người chưng hửng khi phá tung lớp lưới bên trong thoát ra ngoài. Tuy nhiên, mọi việc vẫn trong tầm kiểm soát khi lớp lưới lớn vẫn rất vững chãi.
Không nản lòng, hàng chục công nhân tiếp tục quây lưới lại từ đầu. 16 giờ 30 phút, sau hơn 1 tiếng vật lộn, rùa hồ Gươm đã chính thức được đưa vào chiếc lồng thép lớn. Ngay lập tức, lồng giữ rùa Hồ Gươm được hai chiếc thuyền “hộ tống” đưa về khu vực chân tháp.
Đến 17 giờ, "cụ" rùa đã chính thức được đưa vào khu vực chữa trị ở chân tháp Rùa.
Theo phác đồ điều trị mà ban chỉ đạo cứu rùa hồ Gươm công bố trước đó, ngay khi dẫn được rùa hồ Gươm về nơi chữa trị, lực lượng chức năng sẽ tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm để tìm tác nhân gây bệnh. Quá trình này cũng sẽ kết hợp phân loại hình thái, xác định giới tính, thu mẫu AND để có các hoạt động nghiên cứu sau này. Sau đó, các chuyên gia sẽ phân tích tác nhân gây bệnh và xây dựng phác đồ điều trị cụ thể rồi mới quyết định chủng loại thuốc, tính toán liều lượng thuốc cần dùng.
Trước đó, ngày 8/3 cuộc vây bắt lần thứ nhất đã được tổ chức nhưng không thành công. Với 6 tiếng phải ngâm mình trong nước, lực lượng chức năng không thu được mấy kết quả khi “cụ” rùa phá tan cả 2 lớp lưới và thoát ra ngoài. Lý do, theo nhiều chuyên gia là vì chiếc lưới quá mỏng và chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt lực lượng.
Trong khoảng thời gian gần 1 tháng từ lần bắt hụt trước, lực lượng chức năng đã tổ chức 2 lần diễn tập bắt rùa. Hệ thống lưới mới cũng đã được cải tiến cho lần bắt thứ 2 này./.
Xuân Dũng (Vietnam+)