Dân Thái Lan về nước bằng đường hàng không phải tự trả phí cách ly

Chính phủ sẽ dừng việc cung cấp nơi cách ly cho người dân trở về từ nước ngoài bằng đường hàng không, đường biển và những cơ sở cách ly thay thế do tư nhân vận hành sẽ là lựa chọn duy nhất.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan. (Ảnh: THX/TTXVN)

Kể từ ngày 1/7, người dân Thái Lan trở về từ nước ngoài bằng đường hàng không và đường biển sẽ phải tự chi trả chi phí cách ly 14 ngày tại các cơ sở cách ly thay thế của tư nhân, ngoại trừ công chức đi làm nhiệm vụ và những người thuộc diện “dễ bị tổn thương."

Theo Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) Thái Lan, kể từ thời điểm nói trên, Chính phủ sẽ dừng việc cung cấp nơi cách ly cho người dân trở về từ nước ngoài bằng đường hàng không, đường biển và những cơ sở cách ly thay thế do tư nhân vận hành sẽ là lựa chọn duy nhất.

Tuy nhiên, đối với những người nhập cảnh bằng đường bộ, Chính phủ sẽ vẫn tiếp tục tài trợ chi phí cho các cơ sở cách ly tại các tỉnh biên giới.

Người phát ngôn CCSA Taweesilp Visanuyothin cho biết nhiều người Thái Lan đi nước ngoài và về nước đã được hưởng quy định cách ly miễn phí trong năm qua và đã đến lúc phải áp dụng “một lối sống bình thường mới." Các cơ sở cách ly của nhà nước sẽ được giảm dần cho đến khi chỉ còn lại những cơ sở ở biên giới.

Liên quan tới tình hình COVID-19 tại Thái Lan, ngày 19/6, Bộ Y tế nước này cho biết đã ghi nhận thêm 3.667 ca mắc mới cùng 32 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số các ca nhiễm từ trước tới nay lên 214.449 ca, trong đó có 1.609 ca tử vong.

[Thái Lan kỳ vọng kế hoạch mở cửa trở lại hỗ trợ tăng trưởng kinh tế]

Thủ đô Bangkok vẫn là địa phương có số lượng các ca mắc mới cao nhất với 1.218 ca, tiếp theo là các tỉnh Samut Prakan (495 ca), Samut Sakhon (171 ca), Pathum Thani (167 ca) và Chon Buri (145 ca)…

Tính đến ngày 18/6, Thái Lan đã tiêm được 7,48 triệu liều vaccine ngừa COVID-19. trong đó 5,43 triệu liều là mũi đầu tiên và 2,04 triệu liều là mũi thứ hai.

Chính phủ Thái Lan hiện có kế hoạch tiêm khoảng 10 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 vào tháng 7/2021, trong đó thủ đô Bangkok sẽ chiếm phần lớn và ít nhất 70% cư dân tại hòn đảo nghỉ dưỡng Phuket được tiêm mũi thứ hai.

CCSA đã điều chỉnh kế hoạch mua sắm vaccine ngừa COVID-19 từ 100 triệu liều trong năm 2021 lên 150 triệu liều vào cuối năm 2022.

Hiện Chính phủ Thái Lan đã mua hoặc đăng ký mua 105,5 triệu liều vaccine, trong đó có 61 triệu liều AstraZeneca, 19,5 triệu liều Sinovac, 20 triệu liều của Pfizer-BioNTech và 5 triệu liều của Johnson & Johnson.

Thái Lan cũng sẽ đặt hàng thêm 28 triệu liều vaccine từ Sinovac và 22 triệu liều từ các nhà sản xuất khác. Việc tăng lượng mua là để đối phó với những đột biến của virus gây bệnh COVID-19 và nhu cầu tiêm liều vaccine tăng cường thứ ba./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục