Dân số đang giảm nhanh

Dân số các nước Đông Á, Đông Âu đang giảm nhanh

Trong khi dân số châu Phi tăng gấp đôi hiện nay vào năm 2050, dân số của các nước ở Đông Á và Đông Âu lại có nguy cơ giảm 25%.
Các nhà dân số học trên thế giới  ngày 25/8, đã lên tiếng cảnh báo một cuộc khủng hoảng dân số ngược.

Trong khi dân số toàn cầu tăng 37% và sẽ đạt tới 9,5 tỷ người vào năm 2050, dân số của 25 nước trên thế giới đang giảm nhanh, đe dọa không chỉ tăng trưởng kinh tế mà còn ngay cả vị thế quốc tế của những nước này.

Theo dự báo của Cơ quan nghiên cứu dân số toàn cầu (PRB), sự gia tăng dân số phân bố không đồng đều. Trong khi dân số các nước đang phát triển tăng quá nhanh, trong đó dân số châu Phi sẽ tăng gấp đôi mức hiện nay vào năm 2050, dân số 25 quốc gia như các nước Đông Á, Đông Âu... lại có nguy cơ giảm tới 25%.

Vào năm 2050, Đông Âu bị mất đi 13,6% số dân so với hiện nay. Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc hiện đang trong tình trạng báo động về dân số giảm. Số dân Nhật Bản năm 2050 sẽ giảm 1/4 so với hiện nay xuống còn hơn 95 triệu người.

PRB nêu rõ trong khi trên phạm vi toàn cầu, nhân loại đứng trước nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, việc làm, lương thực, nhà ở, dịch vụ xã hội và kết cấu hạ tầng, thậm chí cả không gian sinh tồn, dân số 25 nước giảm đồng nghĩa với lực lượng lao động giảm tác động đến thị trường lao động, lương hưu, nguồn thu từ thuế giảm.

Theo dự báo toàn cầu của Liên hợp quốc vào năm 2050, số người già trên thế giới lần đầu tiên sẽ vượt quá số thanh niên, tạo ra sự mất cân bằng nghiêm trọng về hệ thống hưu trí, gây khó khăn cho việc hỗ trợ những người già.

Các nước giảm dân số sẽ mất đi các lợi ích kinh tế trong tương lai vì số thanh niên giảm đi và sẽ bị chảy máu chất xám. Những thanh niên được đào tạo tốt và có kỹ năng lao động cao của những nước này sẽ di cư vì cơ hội tìm việc làm trong nước bị suy giảm.

Cũng theo số liệu của Liên hợp quốc, vào năm 2050, cộng đồng người già ở độ tuổi 80 trở lên sẽ tăng nhanh nhất. Nếu năm 2000, tỷ lệ người già hơn 85 tuổi trên số người ở độ tuổi trung niên là 4/100, đến năm 2050, tỷ lệ này là 11/100. Tỷ lệ này ở Nhật Bản thậm chí còn tồi tệ hơn khi một người ở độ tuổi lao động phải nuôi một người hơn 65 tuổi.

Nghiên cứu của Liên hợp quốc và PRB đều nhấn mạnh bất chấp những hậu quả kinh tế và xã hội cũng như những nỗ lực ở 25 nước bị giảm dân số, giải pháp đảo ngược xu thế giảm dân số dài hạn không dễ dàng vì sự biến đổi dân số là quá trình khó can thiệp bằng những nỗ lực chủ quan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục