Trong thế trận Quốc phòng toàn dân, dân quân tự vệ luôn được Đảng và Nhà nước đánh giá là lực lượng có vai trò hết sức quan trọng. Trên cơ sở lấy dân “làm gốc,” động viên toàn dân, vũ trang toàn dân, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra đường lối xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân với ba thứ quân: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ.
Dân quân tự vệ là lực lượng đầu tiên cầm súng để bảo vệ địa phương, địa bàn cơ sở và tạo thế cho lực lượng chủ lực tác chiến trên địa bàn. Trong thời bình, dân quân tự vệ cũng là chỗ dựa vững chắc trong công tác giữ vững an ninh chính trị, an ninh trật tự trên địa bàn hoặc tham gia nhiệm vụ phát triển kinh tế.
Chính vì thế, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ “vững mạnh, rộng khắp” làm nòng cốt thực hiện công tác quân sự - quốc phòng ở cơ sở là một trong những chủ trương, chiến lược lớn của Đảng, Nhà nước.
Nhân kỷ niệm 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2019), phóng viên đã cuộc trò chuyện với Thiếu tướng Phạm Quang Ngân, Cục trưởng Cục Dân quân tự vệ, Bộ Tổng Tham mưu (Bộ Quốc phòng).
- Thiếu tướng có thể cho biết vai trò của lực lượng Dân quân tự vệ trong thời gian qua?
Thiếu tướng Phạm Quang Ngân: Trong những năm qua, lực lượng Dân quân tự vệ đã rất tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương như phối hợp với bộ đội biên phòng và các lực lượng khác để tuần tra bảo vệ biên giới; tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, phòng chống chữa cháy rừng, cứu hộ cứu nạn trên bộ và trên biển; tham gia cùng với các lực lượng ban ngành của địa phương thực hiện chương trình phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới… với tổng số trên 10 triệu lượt ngày công.
Trên thực tế, dân quân tự vệ là lực lượng đầu tiên được huy động để làm nhiệm vụ ở địa phương. Đặc biệt, khi chiến tranh xảy ra, dân quân tự vệ cũng là lực lượng đầu tiên nổ súng để bảo vệ địa phương, địa bàn cơ sở và tạo thế cho lực lượng chủ lực tác chiến trên địa bàn.
[Ngày Toàn quốc kháng chiến: Dấu mốc trọng đại trong dòng chảy lịch sử]
Đối với thời bình, dân quân tự vệ cũng là là lực lượng đầu tiên được huy động phối hợp với bộ đội chủ lực tham gia các nhiệm vụ như khắc phục hậu quả thiên tai, giữ vững an ninh chính trị, an ninh trật tự trên địa bàn hoặc tham gia nhiệm vụ phát triển kinh tế. Thực tế khẳng định dân quân tự vệ là lực lượng được cấp ủy chính quyền địa phương đánh giá cao, được nhân dân tin cậy.
- Với vai trò hết sức quan trọng như vậy, việc xây dựng lực lượng Dân quân tự vệ đã được triển khai như thế nào trong suốt nhiều năm qua thưa Thiếu tướng?
- Thiếu tướng Phạm Quang Ngân: Việc huấn luyện dân quân tự vệ hàng năm đã được quy định cụ thể trong Luật Dân quân tự vệ. Cụ thể: Dân quân thường trực sẽ huấn luyện 60 ngày/năm; dân quân cơ động huấn luyện 15 ngày/năm; dân quân năm thứ 2 trở đi huấn luyện 12 ngày/năm; dân quân rộng rãi, tại chỗ sẽ huấn luyện theo đợt 7 ngày/năm.
Phương châm xây dựng lực lượng dân quân tự vệ là Vững mạnh – Rộng khắp nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt chú trọng phát triển lực lượng dân quân tự vệ ở các địa bàn biên giới, hải đảo, các khu vực trọng điểm về quốc phòng an ninh và những địa bàn khó khăn.
Cục Dân quân tự vệ đặc biệt chú ý xây dựng một số mô hình mới như: xây dựng hải đội dân quân biển, xây dựng các chốt dân quân ở tuyến biên giới đất liền gắn với điểm dân cư để tạo “phên dậu” vững chắc bảo vệ biên giới.
Hiện nay, tổng số lượng dân quân tự vệ trên cả nước của chúng ta khoảng 1,5 triệu người, chiếm 1,4% dân số; trong đó tỷ lệ dân quân tự vệ là Đảng viên chiếm 24%.
Bên cạnh đó, Cục Dân quân tự vệ cũng phối hợp chỉ đạo các địa phương xây dựng dân quân tự vệ phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ của từng địa bàn. Trong đó, đối với cấp thôn phải có lực lượng dân quân tại chỗ, cấp xã có trung đội cơ động. Đối với cấp huyện thì căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng tùy từng địa bàn có thể xây dựng tiểu đội cho đến trung đội dân quân thường trực, đại đội dân quân pháo phòng không, các trung đội dân quân 12 ly 7, dân quân công binh, y tế, trinh sát… để đảm bảo cho yêu cầu nhiệm vụ.
Hiện nay, với kết quả xây dựng và huấn luyện, khi có tình huống xảy ra trên địa bàn thì lực lượng dân quân tự vệ hoạt động sẽ có hiệu quả và đủ điều kiện để hoàn thành các nhiệm vụ được giao như: chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, phối hợp để giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn hay công tác phòng chống thiên tại, khắc phục hậu quả thiên tai…
- Bên cạnh việc xây dựng lực lượng dân quân tự vệ tại chỗ, công tác xây dựng mô hình tự vệ ở các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài cũng đã được lưu tâm. Xin ông cho biết rõ hơn về sự cần thiết của mô hình này?
Thiếu tướng Phạm Quang Ngân: Việc xây dựng mô hình tự vệ ở các doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài, các doanh nghiệp tư nhân không hề đơn giản. Chính vì vậy, Luật Dân quân tự vệ 2019 có quy định về “điều kiện tổ chức tự vệ trong Doanh nghiệp.” Bởi trong điều kiện tình hình hiện nay, Dân quân tự vệ là lực lượng vũ trang quần chúng không thoát ly sản xuất, mà đã là lực lượng vũ trang thì yêu cầu phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Chúng tôi cho rằng rất cần thiết phải đặt ra điều kiện xây dựng tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp.
[Đề nghị bổ sung quy định bắt buộc lập đơn vị tự vệ ở doanh nghiệp]
- Song song với công tác xây dựng lực lượng tại chỗ, việc giáo dục quốc phòng an ninh cũng là một khâu hết sức quan trọng trong thế trận Quốc phòng toàn dân, thưa ông?
Thiếu tướng Phạm Quang Ngân: Cục Dân quân tự vệ với chức năng là cơ quan Thường trực của Hội đồng Giáo dục quốc phòng an ninh Trung ương do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Chủ tịch Hội đồng. Vì thế, trong suốt các năm quan, Cục Dân quân tự vệ đã tham mưu cho các đơn vị, địa phương tổ chức bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh cho các đối tượng và giáo dục quốc phòng cho học sinh, sinh viên. Đến nay, cơ bản các đối tượng trong nhiệm kỳ này được giáo dục quốc phòng an ninh đều đạt trên 80%.
Ngoài ra, cục Dân quân tự vệ còn phối hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ và các cơ quan liên quan, hàng năm tổ chức 2 lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh cho các chức sắc, chức việc tôn giáo trên các địa bàn và đến nay đã tổ chức được 14 lớp.
- Xin cám ơn Thiếu tướng!