Dán nhãn “đèn giao thông” thực phẩm khuyến khích người mua?

Dán nhãn những thực phẩm không có lợi như đồ ăn vặt bằng hình đèn đỏ trong hệ thống đèn giao thông có thể giúp người mua hàng lựa chọn những thực phẩm có lợi hơn.
Dán nhãn “đèn giao thông” thực phẩm khuyến khích người mua? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: tts-group.co.uk)

Theo các nhà nghiên cứu thuộc đại học Bonn, Đức, dán nhãn những thực phẩm không có lợi như đồ ăn vặt bằng hình đèn đỏ trong hệ thống đèn giao thông có thể giúp người mua hàng lựa chọn những thực phẩm có lợi hơn.

Hệ thống ghi nhãn cảnh báo những mặt hàng thực phẩm chứa nhiều chất béo, đường và muối bằng hình đèn đỏ, những thực phẩm không quá nguy hại bằng hình đèn vàng, còn các loại thực phẩm được cho là có lợi cho sức khỏe được dán hình đèn xanh.

Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm hệ thống này trên 35 tình nguyện viên là người trưởng thành, trong đó có 19 người là phụ nữ.

Những tình nguyện viên được kết nối với một máy quét não và được cho xem ảnh chụp 100 mặt hàng thực phẩm và thông tin dinh dưỡng của các mặt hàng, từ các sản phẩm ăn liền, chocolate cho tới sữa chua.

Các nhà nghiên cứu chọn một cách ngẫu nhiên hình ảnh được chiếu cho từng tình nguyện viên xem: hoặc hình ảnh sản phẩm đã được dán nhãn đèn giao thông, hoặc thông tin dinh dưỡng. Sau đó, tình nguyện viên đưa ra số tiền mà họ sẵn sàng trả để mua sản phẩm đó.

Kết quả cho thấy họ sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để mua những sản phẩm được gắn nhãn đèn xanh so với những sản phẩm tốt cho sức khỏe tương tự, nhưng được in thông tin dinh dưỡng. Trong trường hợp của các loại thực phẩm dán nhãn đèn đỏ, các tình nguyện viên lại không sẵn sàng trả giá cao, trong khi các sản phẩm tương tự nhưng được in thông tin dinh dưỡng lại được trả giá cao hơn.

Tuy nhiên, một nghiên cứu khác của người Đức lại cho rằng nếu các hãng thực phẩm có sai phạm trong việc dán nhãn, thì hiệu quả của phương pháp này sẽ không còn được bảo toàn. Ngoài ra, phương pháp đèn giao thông chỉ chú trọng vào 3 thành phần chính là chất béo, đường và muối mà không quan tâm tới các yếu tố quan trọng khác, như vậy rất dễ tạo ra cảm giác an toàn giả tạo cho người mua hàng.

Hiện nay, hệ thống nhãn đèn giao thông đang được sử dụng tại Anh, mặc dù vẫn gây nhiều tranh cãi, bởi một nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học Canada cho thấy hệ thống này gây ra nhiều rắc rối cho những người tiêu dùng khi họ không có thời gian để lựa chọn cái gì ít có hại hơn cho mình.

Trong nghiên cứu nói trên, hệ thống NuVal được chứng minh là có hiệu quả hơn hệ thống nhãn đèn giao thông cũng như nhãn thông tin dinh dưỡng thông thường. Hệ thống NuVal chấm điểm độ an toàn cho sức khỏe của thực phẩm theo thang điểm 100./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục