Ngày 5/3, giới chức y tế Đan Mạch đã phê duyệt sử dụng vắcxin ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca cho những người từ 65 tuổi trở lên, khi viện dẫn kết quả nghiên cứu về vắcxin này ở Scotland (Vương quốc Anh).
Trong một tuyên bố, Giám đốc Cơ quan Y tế Đan Mạch Bolette Soborg cho biết kết quả nghiên cứu ở Scotland đã chứng tỏ vắcxin AstraZeneca làm giảm mạnh nguy cơ nhập viện của các bệnh nhân COVID-19 và cũng ở bệnh nhân lớn tuổi.
Bà cho biết thêm kết quả này đã được khẳng định trên quy mô lớn.
Trước đó, các chuyên gia quốc gia vùng Scandinavia này cho rằng không có đủ bằng chứng cho thấy tính hiệu quả của vắcxin AstraZeneca để khuyến nghị tiêm chủng cho nhóm người từ 65 tuổi trở lên.
Đan Mạch là một trong số những nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) triển khai nhanh nhất chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19.
Đến nay, 8,3% dân số nước này đã được tiêm mũi vắcxin đầu tiên và 3,2% được tiêm cả hai mũi. Đan Mạch hy vọng rằng tất cả người trưởng thành ở nước này sẽ được tiêm phòng vào cuối tháng 6 tới.
[Vắcxin COVID-19 của AstraZeneca hiệu quả với người trên 80 tuổi]
Cùng ngày, Bộ Y tế Cộng hòa Séc cho biết nước này đã đề nghị Đức, Thụy Sĩ và Ba Lan hỗ trợ bằng cách tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 của nước này trong bối cảnh các bệnh viện ở nước này đang bị quá tải.
Trong một tuyên bố, bộ trên nêu rõ: "Một số lượng lớn bệnh nhân mới đã làm tăng áp lực lên hệ thống y tế và số bệnh nhân đòi nhập viên ngày một gia tăng."
Tính theo tỷ lệ dân số, Séc là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới do COVID-19, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 197 người tử vong.
Kenya ngày 5/3 đã bắt đầu chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 cho nhóm đối tượng ưu tiên đầu tiên là nhân viên y tế sau khi lô vắcxin đầu tiên tới nước này ngày 3/4.
Kenya đã tiếp nhận hơn 1 triệu liều vắcxin của hãng AstraZeneca do Viện Serum của Ấn Độ sản xuất theo cơ chế cung cấp vắcxin toàn cầu COVAX do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đứng đầu.
Trong giai đoạn tiêm chủng đầu tiên, Kenya sẽ tiêm vắcxin cho khoảng 400.000 nhân viên y tế trước khi tới các nhóm đối tượng ưu tiên khác như cảnh sát và giáo viên. Chương trình này dự kiến kéo dài đến tháng 6/2021.
Trong giai đoạn tiêm chủng thứ hai từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022, Kenya sẽ tập trung tiêm chủng cho những đối tượng có nguy cơ tử vong hoặc lây nhiễm cao do COVID-19. Giai đoạn cuối cùng sẽ kéo dài đến tháng 7/2023, tiêm chủng cho những người còn lại.
Đến nay, Kenya ghi nhận 107.000 ca mắc COVID-19 và 1.870 ca tử vong./.