Theo một nghiên cứu của trường Đại học Siena, người dân Italy quan tâm đến các vấn đề trong nước hơn là tình hình thế giới trong năm 2013.
Nnghiên cứu này cho thấy những vấn đề liên quan đến đối nội và cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài ở Italy đã khiến người dân nước này dành nhiều tâm trí hơn.
Trên cơ sở phỏng vấn hơn 1.000 người bất kỳ trên khắp Italy, 65% số người được hỏi nói rằng họ quan tâm đến những vấn đề trong nước hơn, bởi vì nó có ảnh hưởng trực tiếp đối với họ hơn các vấn đề quốc tế.
Ngoài ra, gần 60% số người được phỏng vấn cho rằng, Italy giờ chỉ đóng một vai trò rất nhỏ trong đời sống kinh tế và chính trị thế giới.
Trong khi đó, kết quả từ các từ khóa mà người Italy đã dùng để truy cứu thông tin trên trình tìm kiếm Google trong năm 2013 cũng cho thấy điều tương tự.
Gần một nửa số thông tin tìm kiếm liên quan đến chính trị hoặc các chính trị gia, như "Berlusconi" (cựu thủ tướng vừa bị phế truất khỏi Thượng viện), "Grillo" (thủ lĩnh phong trào năm sao thu hút rất nhiều phiếu cử tri) hay "crisi" (khủng hoảng).
Theo nghiên cứu này, cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài cũng đã tác động không nhỏ đến người dân Italy, khiến không ít người có cái nhìn tiêu cực về Liên minh châu Âu (EU) và đồng tiền chung euro.
Chính sách khắc khổ mà EU buộc Italy phải áp dụng để giảm thâm hụt ngân sách và nợ công cũng khiến người dân nước này có thái độ hoài nghi với châu Âu.
35% số người được hỏi tuyên bố rằng họ không nhận ra được bản sắc châu Âu, 39% muốn Italy rời khu vực Eurozone để trở lại dùng đồng tiền cũ lira và 56% cho rằng, đồng tiên chung có ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của họ.
Nội các hiện tại của Thủ tướng Enrico Letta là chính phủ thứ tư của Italy trong vòng 5 năm qua.
Italy hiện đang có số nợ công chiếm 133% GDP, cao thứ hai ở châu Âu, chỉ sau Hy Lạp và tỷ lệ thất nghiệp lúc này ở mức 12,5%, cao chưa từng có kể từ sau Thế chiến thứ hai./.