Dân chơi âm thanh hoài cổ Hà Nội hồi sinh thú chơi loa toàn dải

Những người hoài cổ ở Hà Nội đã cầu kỳ sưu tầm những chiếc loa toàn dải sản xuất từ những năm 1950 rồi mầy mò đóng thùng loa, phối ghép âmly để thưởng thức suối âm thanh đẹp say đắm và mê hoặc.
Âmly bán dẫn cổ. (Ảnh Mạnh Khánh/TTXVN)

Trong cuộc sống hiện đại hiện đại với nhiều phương tiện giải trí, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh là có cả một thế giới âm nhạc, có thể nghe ở mọi lúc mọi nơi.

Thế nhưng có những người chơi nhạc cầu kỳ hơn, sưu tầm những chiếc loa toàn dải (chỉ duy nhất một loa nhưng đảm nhiệm 3 loại tiếng: trung, trầm và cao) được sản xuất từ những năm 1950 về phối ghép để tạo ra thứ âm thanh mê hoặc lòng người.

Thú chơi loa toàn dải đã hình thành và tồn tại từ lâu trên thế giới song ở Việt Nam và đặc biệt là tại Hà Nội thì phong trào này đang phát triển. Người chơi loa toàn dải có đủ các thành phần, lứa tuổi, từ trí thức, doanh nhân đến người lao động…, miễn là có chung niềm đam mê âm nhạc.

Loa toàn dải có khả năng phát ra âm thanh analog, tức là âm thanh tương tự thực tế ở cả 3 dải âm: trung, trầm và cao.

Loa toàn dải cổ được sản xuất ở nhiều nước như Anh, Mỹ, Nga, Tiệp Khắc (cũ) … Tuy nhiên, quê hương của dòng loa này xuất xứ từ Đức với nhà sản xuất hàng đầu là Siemens.

Phong trào chơi loa cổ đang phát triển mạnh mẽ tại Hà Nội. (Ảnh Mạnh Khánh/TTXVN)

Vật liệu chủ yếu là lông thú và bột giấy, keo và làm hoàn toàn thủ công để tạo ra màng loa.

“Màng loa rất mỏng nhưng độ nhạy âm thanh lại rất cao, khi nghe chất âm mộc mạc, dầy dặn cuốn hút và truyền cảm hứng người nghe hơn so với những loại loa hiện đại bây giờ. Loa toàn dải phù hợp với những bản nhạc cổ điển, nhạc nhẹ, trữ tình, đồng quê và cả những dòng nhạc vàng ở Việt Nam,” anh Trương Vĩnh Khang ở Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội), người được xem như “thủ lĩnh” trong giới loa toàn dải ở Hà Nội chia sẻ.

[[Photo] Phố đồ cổ nằm giữa lòng Thành phố Hồ Chí Minh]

Giới chơi loa cổ ở Hà Nội, không chỉ sưu tầm mà còn mày mò tìm sách báo nước ngoài để học hỏi, nghiên cứu và chế tác cách đóng thùng loa, phối ghép âmly.

Nhiều người đã đầu tư mua những đôi loa đắt tiền về nghiên cứu, lập bản vẽ chế tác thùng loa để cho ra đời âm thanh ưng ý nhất, đẹp, tự nhiên.

Kỳ công lắp ghép loa cổ. (Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN)

Nhiều người chơi loa cổ ở Hà Nội đã cơ bản làm chủ được kỹ thuật đóng ghép thùng loa. Không chỉ làm vỏ thùng loa trên chất liệu gỗ thông thường mà họ còn sáng tạo ra loại loa làm bằng chất liệu kèn tre, vật liệu sơn mài truyền thống, mica, gốm, gỗ lạng để tạo giá trị thẩm mỹ cao. đồng thời tạo ra màu sắc âm thanh riêng cho đôi vỏ loa từ thùng với nhiều kiểu dáng.

“Tôi cho rằng đôi loa, vỏ thùng cũng là sản vật của lịch sử, mang các giá trị của công nghệ điện thanh được làm từ giai đoạn "vàng" của audio từ những năm 1960 tại các nước phát triển về cả khoa học kỹ thuật và văn hóa nên được nhiều người chơi sưu tầm và lưu giữ. Những sản phẩm này được lưu trữ, bảo quản và sử dụng, bày ở vị trí trang trọng trong khuôn viên phòng khách trong mỗi gia đình nên vỏ loa được chế tạo không chỉ đòi hỏi phải đẹp về thẩm mỹ mà còn đẹp cả âm thanh. Giá trị mình làm ra không chỉ mang lại kết quả vật chất mà còn mang lại giá trị tinh thần nên khi chia sẻ kinh nghiệm của mình được mọi người đón nhận, tôi cảm thấy rất vui, vì thêm nhiều người cùng sở thích chơi loa cổ,” anh Nguyễn Cẩm Tú người chơi loa cổ ở Hà Nội cho biết.

Trước câu hỏi, nhanh, nhỏ, gọn tiện lợi khi muốn nghe âm thanh do công nghệ hiện nay cho phép, tại sao lại cứ phải khổ công để tìm tòi, phối ghép loa cổ, anh Trương Vĩnh Khang chia sẻ thêm, dòng loa toàn dải cổ phối với âmly đèn cho ra âm thanh mượt mà, tái tạo những âm thanh trung thực nhất, tạo cho người nghe nhiều cảm xúc như được tham dự vào những cuộc trình diễn thực tế.

Trong khi đó, muốn có được âm thanh thật như vậy người chơi phải bỏ rất nhiều kinh phí để mua những sản phẩm, loa âmly hiện đại rất đắt đỏ.

Xuất phát từ đó mà thú chơi phối ghép loa cổ được sản xuất bằng tay đã ra đời từ những năm 1950 và tồn tại song song với sự phát triển của công nghệ tại nhiều nước trên thế giới.

Hiện nay, tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành trong cả nước đã và đang hình thành mạnh mẽ phong trào chơi loa cổ.

Bộ sưu tập loa cổ của anh Trương Vĩnh Khang. (Ảnh Mạnh Khánh/TTXVN)

Theo một tín đồ âm thanh loa toàn dải ở Hà Nội, trước đây đã từng nghe những loại loa khác (loại 3 đường tiếng, 2 đường tiếng) nhưng từ khi tiếp cận và nghe loa toàn dải anh thấy yêu thích thứ âm thanh của loa này vô cùng.

Nghe loa toàn dải cho mình cảm xúc, nghe mãi không chán do âm thanh nhẹ nhàng, trung thực. Nếu ca sỹ hát không chuẩn, nhạc phối không kỹ khi nghe loa toàn dải sẽ phát hiện ra ngay.

Mùa Xuân đã về trên khắp mọi miền đường đất nước. Trong không gian phòng khách ấm cúng cùng với mứt Tết, chè xanh, gia đình quây quần ngồi nghe những bản nhạc trữ tình nhẹ nhàng càng làm thắm thêm tình thân, cùng nhau thư giãn, thưởng thức để mong ước và kỳ vọng vào năm mới nhiều thành công hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục