Dân chặn cầu Bến Thủy 1, nhà đầu tư lo vỡ phương án tài chính

Cuối tuần qua, một số người dân ở huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh đưa ôtô chặn cầu Bến Thủy 1 nối hai tỉnh Nghệ An-Hà Tĩnh để đề nghị xem xét lại việc đặt trạm thu phí và mức thu phí.
Dân chặn cầu Bến Thủy 1, nhà đầu tư lo vỡ phương án tài chính ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Cuối tuần qua, một số người dân ở huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh đưa ôtô chặn cầu Bến Thủy 1 nối hai tỉnh Nghệ An-Hà Tĩnh để đề nghị Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 4-CTCP (Cienco 4, chủ đầu tư dự án tuyến tránh thành phố Vinh và từ Vinh đến thành phố Hà Tĩnh, đặt trạm thu phí tại cầu Bến Thủy 1 và Bến Thủy 2) xem xét lại việc đặt trạm thu phí và mức thu phí của dự án đang áp dụng.

Tình trạng dân mang ôtô đến chặn trước trạm thu phí đã gây căng thẳng, dẫn đến ùn tắc cục bộ, kéo dài nhiều giờ. Sau sự việc, ông Ngô Trọng Nghĩa, Phó Tổng giám đốc Tổng Cienco4 cho hay kể từ ngày 20/11/2016, thực hiện chủ trương của Chính phủ và Thông tư 255/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành về mức thu phí đường bộ tại trạm thu phí cầu Bến Thủy, hai trạm thu phí BOT cầu Bến Thủy đã giảm giá vé cho các phương tiện loại 1 (xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe khách vận tải hành khách công cộng) từ 45.000 đồng xuống 40.000 đồng/lượt và loại 2 (xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi, xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn) từ 60.000 đồng xuống còn 55.000 đồng/lượt.

Các loại phương tiện khác còn lại, mức phí bằng với các trạm thu phí BOT khác trên tuyến Quốc lộ 1. Với người dân địa phương, Cienco 4 áp dụng hình thức bán vé tháng, vé quý với chi phí tính bằng giá trị vé 1 lượt/ngày trở xuống, không hạn chế số lượt đi lại trong ngày.

Về vị trí đặt trạm thu phí Bến Thủy 1 và Bến Thủy 2, ông Ngô Trọng Nghĩa cho biết, hiện tại trạm này cách trạm thu phí Hoàng Mai (Km383+600, Quốc lộ 1) 83,5km và cách trạm thu phí cầu Rác (Km 539+100, Quốc 1) 72km, đảm bảo phù hợp về khoảng cách tối thiểu (70km) giữa hai trạm thu phí trên cùng một tuyến đường theo chỉ đạo của Thủ tướng nên không thể tính phương án dời trạm.

“Nếu đặt ở các vị trí khác sẽ ảnh hưởng đến lưu lượng xe, nguồn thu không đảm bảo dẫn tới phương án tài chính của dự án bị phá vỡ, nhà đầu tư không đủ trả nợ. Việc này cũng khiến ngân hàng cho vay vốn gặp rủi ro”, ông Ngô Trọng Nghĩa cho hay.

Vừa qua, ngoài trạm thu phí cầu Bến Thủy, có nhiều trạm thu phí khác khi đi vào hoạt động gặp phải sự phản ứng quyết liệt của người dân như trạm thu phí Cầu Hạc Trì (Phú Thọ), trạm thu phí qua thị trấn Lương Sơn (Hòa Bình) trên Quốc lộ 6... Điều đó cho thấy, công tác lấy ý kiến người dân, chuẩn bị vị trí đặt trạm thu phí của Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương có nhiều bất cập.

Trước đó, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, Đặng Quốc Khánh ký văn bản số 3621/UBND-XD gửi Bộ Tài chính đề nghị di dời trạm thu phí Bến Thủy I và II về vị trí phù hợp với các dự án BOT đã triển khai, bảo đảm kết nối, phát triển kinh tế hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh theo quy hoạch. Đồng thời đề nghị giảm mức thu từ 20-60% vì cho rằng chưa phù hợp với thu nhập người dân.

Trao đổi về việc này, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật cho biết, sắp tới Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ một số giải pháp nhằm tháo gỡ những bất cập còn tồn tại giữa cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư, đảm bảo ổn định hơn nữa về chính sách, giúp nhà đầu tư yên tâm đầu tư./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục