Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được xem xét là di sản văn hóa

Hồ sơ đề nghị công nhận dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh của Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại sẽ xem xét tại kỳ họp lần thứ 9 của Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO.
Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được xem xét là di sản văn hóa ảnh 1Tiết mục dân ca ví, giặm của xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương (Nghệ An). (Ảnh : Nguyễn Văn Nhật/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, kỳ họp thứ 9 của Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể sẽ diễn ra từ ngày 24-28/11 tại trụ sở Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tại Paris dưới sự chủ trì của Chủ tịch Ủy ban, ông José Manuel Rodriguez Cuadros.

Theo thông báo của Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO, hồ sơ đề nghị công nhận dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh của Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại sẽ xem xét tại kỳ họp lần này.

Gần 800 đại biểu đến từ 24 quốc gia thành viên của Ủy ban Liên chính phủ và các nước có hồ sơ trình UNESCO đề nghị công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể sẽ tham dự kỳ họp này. Bên cạnh đó, Ủy ban cũng sẽ nghe đại diện các nước trình bày 27 báo cáo định kỳ về việc thực hiện Công ước Di sản và 8 báo báo về tình trạng hiện nay của các di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.

Tại cuộc họp báo tổ chức ngày 18/11 tại Paris, bà Cécile Duvelle, Thư ký phụ trách việc xét duyệt hồ sơ cho biết Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO đã nhận được 46 hồ sơ đề nghị công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 8 hồ sơ đề nghị công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, 4 hồ sơ đề nghị đưa vào Danh sách Thực tiễn bảo vệ tốt nhất (Registre des meilleures pratiques de sauvegarde) và 2 hồ sơ đề nghị nhận tài trợ từ Quỹ hỗ trợ bảo tồn di sản của UNESCO.

Sau khi xem xét tất cả các hồ sơ nêu trên, các chuyên gia thẩm định của Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO đã quyết định giới thiệu tại kỳ họp sắp tới 70% hồ sơ ứng viên trong số 46 hồ sơ đề nghị công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 3 hồ sơ đề nghị công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, 2 hồ sơ đề nghị đưa vào Danh sách Thực tiễn bảo vệ tốt nhất.

Hai hồ sơ đề nghị nhận được nguồn vốn hỗ trợ từ Quỹ hỗ trợ bảo tồn di sản của UNESCO không được đề nghị vì chưa nêu bật được việc sử dụng hiệu quả các nguồn vốn trên vào việc duy trì và phát triển các di sản.

Bà Cécile Duvelle cũng cho biết do chưa nhận thức được hết ý nghĩa sâu sắc của điều 17 Công ước 2003 đối với việc thiết lập danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, vì vậy, hầu hết các quốc gia quan tâm nhiều hơn đến danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, trong khi việc đăng ký vào các danh sách khác có thể giúp tiếp cận được nguồn vốn của UNESCO dùng để hỗ trợ công tác bảo tồn.

Hiện tại, UNESCO có Quỹ hỗ trợ bảo tồn di sản với số tiền lên đến 4 triệu USD.

Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được xem xét là di sản văn hóa ảnh 2Bà Cécile Duvelle, Thư ký phụ trách xét duyệt hồ sơ thuộc Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO trong buổi gặp gỡ các nhà báo. (Ảnh: Bích Hà/Vietnam+)

Trong số các hồ sơ được đề nghị công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại lần này có nhiều đề cử liên quan đến sinh hoạt cộng đồng như văn hóa cà phê và các quan hệ xã hội tại các khu phố của Buenos Aires (Achentina), hình thức nhảy múa tập thể (Kopatchkata) tại làng Dramtche, tỉnh Pianets (Macedonia), hoặc các nghệ thuật truyền thống như nghệ thuật làm giấy có vân đá (Ebrui) của Thổ Nhĩ Kỳ, nghệ thuật ngâm thơ Al-Zajal của Liban, liên hoan rước đuốc của dân tộc Yi (Trung Quốc), truyền thống tắm xông hơi tại quận Voru (Estonia)...

Việc dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được xem xét là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tại kỳ họp lần này là thêm một cơ hội tôn vinh các di sản văn hóa và tinh thần của dân tộc ta.

Trên thực tế, dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã trở thành di sản tinh thần, thấm sâu vào tâm hồn, trí tuệ và đời sống người dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

 

Những câu hát đơn sơ và khúc điệu đầy biểu cảm được cất lên từ những tâm hồn mộc mạc mà tinh tế, giản dị mà sâu sắc đã dần định hình, trở thành hình thức sinh hoạt thường ngày, chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa của người dân địa phương, làm nên bản sắc riêng của văn hóa xứ Nghệ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục