Trong bối cảnh xuất hiện những lo ngại rằng một loạt virus có thể tạo ra một “cơn bão mùa Đông,” các chuyên gia y tế của Australia đã khuyến khích trẻ nhỏ, người lớn tuổi và những người dễ bị tổn thương khác tiêm phòng bệnh cúm và vaccine phòng chống COVID-19.
Các chuyên gia y tế đưa ra lời khuyến cáo trên do trong 2 tháng đầu năm nay, Australia có số ca mắc cúm tăng gấp 100 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo số liệu của Bộ Y tế Australia, nhà chức trách đã ghi nhận 8.453 ca mắc cúm trong tháng 1 và 2/2023, tăng mạnh so với mức 79 ca của cùng kỳ năm 2022. Trong số này, có 2.700 trẻ dưới 14 tuổi, chiếm gần 33% tổng số ca.
Nguyên nhân được cho là do hoạt động du lịch quốc tế sôi động khi người dân Australia trở về nước sau các kỳ nghỉ tại Bắc bán cầu.
Nhằm bảo vệ hệ thống y tế Australia trước "tác động kép" của việc số ca mắc cúm và số ca mắc COVID-19 tăng đột biến, chính quyền một số bang đã tổ chức tiêm vaccine phòng cúm miễn phí cho người dân.
Trong số các bang, bang New South Wales đã kêu gọi người dân tiêm vaccine để bảo vệ bản thân, gia đình và cả hệ thống y tế. Mùa cúm năm ngoái, khoảng 40% người dân trong bang đã tiêm phòng cúm và các nhà chức trách của bang hy vọng tỷ lệ này sẽ đạt 50% trong mùa cúm năm nay.
[Tổ chức Y tế Thế giới thay đổi khuyến nghị về vaccine ngừa COVID-19]
Quan chức y tế bang New South Wales cho biết tình hình dịch bệnh hiện rất khó dự đoán nên giới chức y tế đang xem xét khả năng bắt đầu mùa cúm sớm và kéo dài. Virus cúm sẽ bắt đầu lưu hành cùng với dịch COVID-19 và virus hợp bào hô hấp (RSV) trong mùa Đông.
Theo một công ty bảo hiểm sức khỏe uy tín của Australia, mô hình Bắc bán cầu cho thấy các bệnh mùa Đông sẽ xuất hiện ở Australia sớm hơn dự kiến và tồi tệ hơn năm 2023, có khả năng khiến nhiều người phải nhập viện hơn.
Trẻ em dưới 5 tuổi, người trên 65 tuổi, người bản địa, người mắc bệnh hen suyễn, phụ nữ mang thai và các tình trạng sức khỏe nghiêm trọng khác đều có nguy cơ mắc bệnh cúm cao nhất.
Ngoài ra, người dân đi du lịch nhiều hơn và không áp dụng các biện pháp như đeo khẩu trang và rửa tay cũng góp phần khiến bệnh cúm lây lan.
Trong những tuần gần đây, số ca mắc COVID-19 và nhập viện đã tăng, đây là điều mà những người cao tuổi và các nhóm dễ bị tổn thương khác cần đặc biệt lưu ý. Khoảng 1.000 người ở bang New South Wales của Australia đang nhập viện vì COVID-19, trong đó có 20 người được chăm sóc đặc biệt.
Theo dữ liệu của Bộ Y tế Australia, kể từ khi nước này triển khai tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 nhắc lại năm 2023 vào đầu tháng 2 đến nay đã có 1 triệu người tiêm mũi vaccine này.
Báo cáo của Chính phủ Australia về đợt lây nhiễm thứ 4 của biến thể Omicron vừa kết thúc vào tháng 2/2023, chỉ ra đợt dịch lần này ít nghiêm trọng hơn các đợt trước nhưng thời gian kéo dài hơn.
Giám đốc Y tế Paul Kelly nêu rõ người dân bất kể đã tiêm bao nhiêu liều vaccine đều có thể tiêm mũi bổ sung, nếu đã hơn 6 tháng kể từ khi nhiễm COVID-19 hoặc 6 tháng kể từ mũi tiêm gần đây nhất.
Ông Kelly nhận định việc tăng độ bao phủ mũi vaccine ngừa COVID-19 nhắc lại là rất quan trọng để phòng ngừa các đợt lây nhiễm mới dự đoán có thể bùng phát trong mùa Đông tới.
Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thay đổi khuyến nghị đối với vaccine ngừa COVID-19, cho rằng nhóm đối tượng nguy cơ cao nên tiêm một liều bổ sung 12 tháng sau mũi tiêm nhắc lại gần nhất.
WHO xác định nhóm dân số có nguy cơ cao là người lớn tuổi và nhóm trẻ hơn nhưng nhiều yếu tố rủi ro đáng kể khác.
Đối với nhóm này, WHO khuyến cáo nên tiêm thêm một liều vaccine ngừa COVID-19 trong khoảng 6 hoặc 12 tháng sau mũi tiêm nhắc lại gần nhất, dựa trên các yếu tố như tuổi tác, tình trạng suy giảm miễn dịch.
Tổ chức này cũng xác định trẻ em và thanh thiếu niên thuộc nhóm “ưu tiên thấp” và hối thúc các nước cân nhắc các yếu tố như gánh nặng bệnh tật trước khi khuyến cáo tiêm vaccine cho nhóm này./.