Theo trang tin Globe and Mail của Canada, các cuộc đàm phán về việc thực thi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa 11 nước (không bao gồm Mỹ) đã gần đi đến đích cuối cùng trước thềm Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Việt Nam.
Đây là dấu hiệu cho thấy rất có thể lãnh đạo của 11 nước sắp có những động thái quan trọng liên quan đến thỏa thuận thương mại này, nhất là sau khi New Zealand đồng ý sửa đổi một số luật trong nước liên quan đến lĩnh vực đất đai và sở hữu nhà của người nước ngoài.
Theo trang tin trên, những thỏa hiệp đạt được sau 3 ngày họp ở Nhật Bản trong tuần này đã giúp 11 nước tránh được kịch bản phải đàm phán lại TPP theo yêu cầu trước đó của Chính phủ New Zealand nhằm đảm bảo hiệu quả của các biện pháp kiểm soát giá nhà đất trong nước.
Ngoài ra, kết quả trên cũng giúp các nước thành viên TTP tiến gần thêm tới sự nhất trí về việc thiết lập một khu vực thương mại tự do mới bên lề Hội nghị Cấp cao APEC.
Ông Kazuyoshi Umemoto, Trưởng đoàn đàm phán TPP của Nhật Bản, nhận định: “Động lực hướng tới thỏa thuận tại hội nghị này đã tăng lên đáng kể. Tác động về kinh tế của TPP-11 chắc chắn sẽ không nhỏ, nhưng thông điệp lớn hơn là thỏa thuận này sẽ ảnh hưởng đến hệ thống kinh tế toàn cầu và mang lại hòa bình, cũng như thịnh vượng cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương."
Trước đó, tại cuộc họp kéo dài 3 ngày ở thành phố Urayasu của Nhật Bản, các nhà đàm phán của 11 nước đã quyết định thu hẹp một số điều khoản trong nội dung thỏa thuận ban đầu (khi Mỹ còn tham gia) để có thể cứu vãn TPP tại Hội nghị Cấp cao APEC 2017, đồng thời đặt mục tiêu sẽ đạt được những kết quả tích cực về hiệp định này tại hội nghị cấp bộ trưởng sẽ diễn ra bên lề APEC 2017.
Nhật Bản cũng hy vọng các nước còn lại trong TPP sẽ thông qua thỏa thuận này tại Hội nghị APEC sắp tới nhằm chứng minh cho các nước khác thấy rằng hiệp định này có ý nghĩa như "nhà vô địch" của tự do hóa thương mại và từ đó có thể thuyết phục Mỹ quay trở lại hiệp định này.
TPP được ký kết tháng 2/2016, với 12 nước tham gia gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam, chiếm khoảng 40% kinh tế toàn cầu.
Ngay sau khi nhậm chức vào tháng 1/2017, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố rút khỏi TPP, cho rằng hiệp định đa phương này làm ảnh hưởng đến công ăn việc làm của người Mỹ và nhấn mạnh Washington sẽ tiến hành đàm phán hiệp các định thương mại song phương.
Trước động thái này của Mỹ, 11 nước thành viên còn lại đã nỗ lực khôi phục hiệp định trên thông qua các vòng đàm phán. Nhiều nhà phân tích hy vọng TPP sẽ sớm được thực thi trước khi có thể mở cửa đón thêm một số nền kinh tế tiềm năng khác, trong đó có Hàn Quốc./.