Đàm phán thương mại Mỹ-Trung: Vẫn còn nhiều cam go

Vòng đàm phán thương mại thứ 11 giữa Mỹ và Trung Quốc đã khép lại mà hai bên không tìm được tiếng nói chung để tiến tới một thỏa thuận, đẩy cuộc chiến thương mại giữa hai bên vào vòng xoáy rủi ro mới.
Đàm phán thương mại Mỹ-Trung: Vẫn còn nhiều cam go ảnh 1Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (trái, phía trước) trong cuộc gặp Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin (thứ 2, phải) và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer (phải) tại Washington DC., ngày 10/5/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Không nằm ngoài dự đoán, vòng đàm phán thương mại thứ 11 giữa Mỹ và Trung Quốc đã khép lại mà hai bên không tìm được tiếng nói chung để tiến tới một thỏa thuận, đẩy cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vào vòng xoáy rủi ro mới.

Rào cản mới xuất hiện khi Mỹ chỉ trích Trung Quốc đi ngược lại những cam kết trong đàm phán, khiến cuộc đàm phán “đã hoàn tất đến 90%” bị thụt lùi, qua đó làm thay đổi thỏa thuận một cách căn bản. Đó cũng là cái “cớ” để Mỹ quyết định tăng thuế từ 10% lên 25% đối với lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 10/5.

[Thái độ cứng rắn khiến đàm phán thương mại Mỹ-Trung ở thế bế tắc]

Chưa đầy 24 giờ sau Tổng thống Trump đã ra lệnh áp một đợt thuế mới đối với toàn bộ hàng hóa còn lại nhập khẩu từ Trung Quốc có giá trị khoảng 300 tỷ USD, bất chấp những cảnh báo của giới chuyên gia cũng như các đồng minh trong đảng Cộng hòa.

Quyết định tăng thuế của Mỹ một lần nữa cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của ông chủ Nhà Trắng trong việc thực hiện chính sách bảo hộ thương mại ông theo đuổi kể từ khi lên nắm quyền.

Tổng thống Donald Trump tuyên bố việc áp mức thuế quan mới sẽ đem lại lợi ích cho nước Mỹ, giúp nền kinh tế lớn nhất thế giới trở lên vững mạnh hơn chứ không phải yếu đi, và nếu không đạt được thỏa thuận, ông sẵn sàng tiến xa hơn.

Theo giới phân tích, chính sách tăng thuế của Tổng thống Trump vẫn bị coi là “con dao hai lưỡi.”

Bà Jessica Wasserman, chuyên gia thuộc công ty Greenspoon Marder LLP, nhận định Trung Quốc biết rõ nông nghiệp của Mỹ sẽ là ngành thua thiệt nhất khi Bắc Kinh trả đũa Washington bằng thuế quan, trong khi ngành này lại rất có tầm ảnh hưởng đối với Quốc hội Mỹ và cũng là ngành đã ủng hộ và bỏ phiếu cho ông Trump bước vào Nhà Trắng.

Đó còn chưa kể những tác động tiêu cực đối với các doanh nghiệp hay người tiêu dùng Mỹ nếu cuộc chiến thương mại leo thang với các biện pháp trả đũa của Trung Quốc, đặc biệt khi người tiêu dùng Mỹ hiện đang phải trực tiếp gánh những chi phí phát sinh từ việc tăng thuế.

Đối với Trung Quốc, cuộc chiến thương mại kéo dài với Mỹ sẽ khiến Bắc Kinh phải chịu thiệt hại lớn hơn bởi nền kinh tế nước này dựa nhiều vào xuất khẩu hơn (năm 2018 Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ 540 tỷ USD hàng hóa, trong khi chỉ nhập khẩu 120 tỷ USD hàng hóa của Mỹ). GDP của Trung Quốc có thể giảm 1,6 điểm phần trăm trong năm nay nếu mức thuế trừng phạt của Mỹ tiếp tục đẩy các công ty của Trung Quốc ra khỏi thị trường Mỹ.

Trung Quốc khó có thể dễ dàng chấp nhận những đòi hỏi từ phía Mỹ đối với những thay đổi mang tính hệ thống, như cải tổ cơ cấu kinh tế, sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, hạn chế việc tiếp cận thì trường tài chính… bởi những yếu tố này sẽ tạo cho Mỹ ưu thế cạnh tranh lớn hơn trong tương lai, thậm chí có thể phần nào giúp Mỹ “kiểm soát” nền kinh tế Trung Quốc.

Phó Thủ tướng Lưu Hạc, đại diện cho phái đoàn đàm phán Trung Quốc, khẳng định các cuộc đàm phán mới sẽ tiếp tục nối lại tại Bắc Kinh, song ông cảnh báo rằng sẽ không có "nhượng bộ" về các nguyên tắc quan trọng.

Ông Lưu Hạc cũng bày tỏ sự lạc quan "chừng mực" về việc có thể đạt được một thỏa thuận thương mại giữa hai nước, đồng thời cho biết có nhiều vấn đề về nguyên tắc mà Trung Quốc sẽ không lùi bước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục