Đàm phán thương mại Mỹ-Trung: Kẻ tự tin, người lo ngại

Trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung, nhiều chuyên gia dự báo Trung Quốc có thể sẽ có một số nhượng bộ, trong khi phía Mỹ tự tin rằng họ đang có vị trí đủ mạnh để tạo ra những thay đổi.
Đàm phán thương mại Mỹ-Trung: Kẻ tự tin, người lo ngại ảnh 1(Nguồn: Sputnik International)


Tâm điểm dư luận vừa qua là vòng một cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung Quốc, diễn ra trong hai ngày 7-8/1 tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc).

Phái đoàn gồm các quan chức thương mại cấp trung của Mỹ tham dự 2 ngày đàm phán tại Bắc Kinh do Phó Đại diện Thương mại Mỹ Jeffrey Grerrish dẫn đầu, đi cùng với trợ lý Bộ trưởng Tài chính phụ trách các vấn đề quốc tế David Malpass.

Cuộc đàm phán ba ngày kết thúc vừa qua tại Bắc Kinh là lần gặp trực tiếp đầu tiên giữa đại diện hai nước kể từ cuộc họp giữa Tổng thống Mỹ - Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình đầu tháng trước. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang trong thời kỳ 90 ngày đình chiến, sau năm 2018 liên tục áp thuế nhập khẩu lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa của nhau.

Washington đã gửi đến Bắc Kinh một danh sách dài yêu cầu có thể thay đổi cục diện thương mại hai nước. Trong đó có các thay đổi với chính sách của Trung Quốc về sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ các ngành công nghiệp và rào cản phi thuế quan với thương mại.

Gần nửa chặng đường đình chiến đã trôi qua. Rất ít thông tin chi tiết về tiến triển đàm phán được công bố. Cuộc gặp vừa kết thúc cũng không phải cấp bộ trưởng và không được kỳ vọng chấm dứt chiến tranh thương mại.

Tuy nhiên, hiện mới chỉ có rất ít thông tin liên quan tới các cuộc thảo luận quan trọng này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lục Khảng phát biểu trong cuộc họp báo rằng hai bên nhất trí tiến hành đối thoại “tích cực và xây dựng” để giải quyết các tranh cãi về kinh tế và thương mại phù hợp với sự đồng thuận mà giới lãnh đạo đã đạt được.

Theo quan chức này, Phó Thủ tướng Vương Kỳ Sơn sẽ tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos (Thụy Sỹ) vào cuối tháng 1 tới, song chưa có bất kỳ kế hoạch nào về khả năng sẽ diễn ra một cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo này với Tổng thống Trump bên lề diễn đàn.

Sau ngày đàm phán đầu tiên, các nhà kinh doanh ở Chicago cho biết các nhà nhập khẩu Trung Quốc đã hoàn tất thủ tục lần thứ 3 mua thêm đậu nành từ Mỹ song Trung Quốc mới chỉ mua khoảng 5 triệu tấn từ khi các hoạt động này được khôi phục vào tháng 12/2018.

Trước thời điểm diễn ra vòng đàm phán tại Bắc Kinh, Tổng thống Donald Trump tự tin khẳng định Mỹ đang nắm nhiều lợi thế so với “đối tác,” tuy nhiên, tờ New York Times cho rằng ông dường như đã phớt lờ những tín hiệu đầy lo ngại về kinh tế khiến nhiều thị trường tài chính và giới kinh tế đứng ngồi không yên.

Một phần nguyên nhân khiến nhà lãnh đạo Mỹ có tâm lý này là báo cáo việc làm trong tháng 12/2018 của Bộ Lao động với nội dung khả quan hơn trông đợi.

Phát biểu trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng chỉ vài giờ sau khi báo cáo này được công bố, Tổng thống Trump nói: “Trung Quốc đang không ở trong tình trạng tốt đẹp cho lắm. Điều này đưa chúng ta lên vị thế mạnh mẽ hơn. Chúng ta đang làm rất tốt.”

[Tổng thống Mỹ đánh giá tích cực về đàm phán thương mại với Trung Quốc]


Trump đã đúng khi nói về tình hình kinh tế Trung Quốc bởi theo một số ước tính, nền kinh tế này đã chịu ảnh hưởng không nhỏ từ các khoản thuế mà Washington đánh vào số hàng hóa nhập khẩu trị giá 250 tỷ USD từ quốc gia này.

Tuy nhiên, sự tự tin của ông về nền kinh tế nội địa Mỹ thực tế đã bỏ qua những mối đe dọa tiềm tàng, từ thiệt hại do việc một số cơ quan liên bang phải đóng cửa, ảnh hưởng ngày càng thu hẹp từ khoản cắt giảm thuế trị giá 1,5 nghìn tỷ USD và tác động dây chuyền của chiến tranh thương mại đối với các doanh nghiệp, người nông dân và người tiêu dùng Mỹ.

Trước thềm đàm phán, giới quan sát dự đoán các quan chức Trung Quốc có thể sẽ đưa ra một số nhượng bộ, chẳng hạn như giảm thuế đánh vào hàng hóa Mỹ để tìm cách xoa dịu căng thẳng trước thời hạn chót ngày 2/3/2019, thời hạn mức thuế đánh vào số hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc của Mỹ sẽ tăng từ 10 lên 25%.

Trong khi đó, giới chức chính quyền Mỹ tự tin rằng họ đang có vị trí đủ mạnh để tạo ra những thay đổi quan trọng, như buộc Trung Quốc chấm dứt quy định bắt buộc đòi hỏi các doanh nghiệp Mỹ phải chuyển giao tài sản trí tuệ, và chấp nhận thỏa thuận mua thêm các sản phẩm nông nghiệp cũng như năng lượng từ Mỹ.

Những nhượng bộ này được cho là khả thi song các chuyên gia về thương mại Trung Quốc cho rằng mọi chuyện sẽ không diễn ra đơn giản hay nhanh chóng, nhất là bởi các thay đổi về cơ cấu và pháp lý đi kèm.

Điều này cũng có thể sẽ gây ra những tranh cãi kéo dài hơn thời hạn chót 2/3 và ảnh hưởng đến chi tiêu tiêu dùng, cũng như doanh thu của các tập đoàn và tăng trưởng kinh tế tại Mỹ.

Eswar Prasad, chuyên gia về thương mại làm việc tại Đại học Cornell, bình luận: “Cán cân ảnh hưởng đang nghiêng về phía Mỹ, với những tín hiệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc chững lại, song thị trường chứng khoán vẫn trì trệ và lo ngại về triển vọng tăng trưởng của Mỹ khiến cán cân này có vẻ như lại cân bằng.

Mỹ và Trung Quốc sẽ không dễ dàng đạt được một thỏa thuận mà hai bên đều có thể chấp nhận được…

Điều mà người ta nên hy vọng là những thù địch trong thương mại có thể tạm lắng, song thực tế các đòn trừng phạt kinh tế mà hai bên áp đặt nhiều khả năng vẫn sẽ giữ nguyên.”

Mike Pillsbury, một chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Hudson, cố vấn cho Chính quyền Trump, cũng cảnh báo rằng các cuộc đàm phán sẽ không diễn ra suôn sẻ.

Ông cho rằng Trung Quốc nhiều khả năng sẽ đưa ra một đề xuất khiến giới chức Nhà Trắng chia rẽ, thỏa mãn những cố vấn trung dung hơn như ông Mnuchin hay Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Larry Kudlow, song lại khiến Lighthizer và cố vấn cấp cao Peter Navarro không hài lòng.

Nhiều doanh nghiệp Mỹ như Apple và FedEx đã hạ dự báo thu nhập do ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Nhiều công ty lớn khác như Caterpillar, General Motors và Boeing coi thị trường Trung Quốc là nhân tố quan trọng với sự tăng trưởng trong tương lai. Các cảnh báo kinh tế cho thấy tình hình nội địa không quá khả quan.

Sản lượng trong tháng 12/2018 giảm trong khi giới dự báo cho rằng những động lực kích thích tiêu dùng, một phần cùng với các biện pháp cắt giảm thuế mà Tổng thống Trump đưa ra, sẽ không còn mạnh mẽ khi đã bước sang năm 2019.

Tỷ lệ lãi suất cao cũng khiến trị trường nhà đất bớt nóng hơn. Theo Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome H. Powell, các diễn biến kinh tế, cùng lo ngại của các thị trường về sự chững lại tại Trung Quốc, buộc FED phải “kiên nhân” với các quyết sách của mình, kể cả kế hoạch tăng lãi suất.

Việc một phần chính phủ liên bang Mỹ phải đóng cửa cũng có những tác động nhất định đến tình hình kinh tế khi khoảng 800.000 nhân viên làm việc không lương, và các dịch vụ quan trọng khác như hàng không thương mại, phụ thuộc khá nhiều vào các nhân viên liên bang, bị trì trệ.

Theo hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s, việc 1/4 các cơ quan liên bang phải đóng cửa khiến Mỹ thiệt hại khoảng 1,2 tỷ USD mỗi tuần.

Trong khi đó, Tổng thống Trump tuyên bố ông sẵn sàng để tình trạng này kéo dài tới hơn một năm.

Giới phân tích cũng nhận định bế tắc giữa Nhà Trắng và phe Dân chủ hiện đang nắm quyền kiểm soát Hạ viện báo hiệu những thách thức lớn mà chính phủ sẽ phải đối mặt trong năm nay, chẳng hạn như trong vấn đề nang trần ngân sách chi tiêu.

Charles Seville, Giám đốc cấp cao của hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch, bình luận: “Tình trạng chính phủ đóng cửa hiện nay cho thấy cơ cấu các lực lượng chính trị sau cuộc bầu cử giữa nhiệm hồi tháng 11 dẫn tới một Quốc hội chia rẽ thực tế đang cản trở rất nhiều việc vận hành các chính sách.”

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp Mỹ bắt đầu cảm nhận rõ nét tác động từ một trong những quyết định mà Tổng thống Trump đưa ra khi vừa lên nắm quyền: rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Thỏa thuận không có Mỹ cuối cùng cũng đã có hiệu lực, và 11 quốc gia còn lại đang dần nhận được lợi ích từ các hoạt động thương mại được nới lỏng thuế quan.

Điều này đẩy nhiều doanh nghiệp Mỹ, nhất là trong ngành sản xuất thịt bò, ở vào vị thế bất lợi hơn so với các đối thủ khác như Australia và Canada, khi hoạt động tại thị trường Nhật Bản.

Các nhà đầu tư cũng đang rất trông đợi vào việc Mỹ và Trung Quốc nhanh chóng tìm ra biện pháp cho các căng thẳng thương mại. Thị trường chứng khoán liên tục biến động khi chiến tranh thương mại leo thang.

Chỉ số S&P giảm giá 8% so với 1 năm trước, mức giảm thấp nhất từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Nếu tình hình tồi tệ hơn, áp lực đối với Tổng thống Trump có thể sẽ gia tăng bởi ông là người tuyên bố chiến tranh thương mại là cuộc chiến “rất dễ giành chiến thắng” và cũng là người luôn xem thị trường chứng khoán là “chỉ số” đánh giá thành quả kinh tế của mình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục