Đàm phàn thương mại Hàn-Nhật vẫn còn nhiều khoảng cách

Phái đoàn hai nước đã gặp nhau tại Geneva sau khi Seoul khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hồi tháng trước về chính sách thắt chặt các hoạt động kiểm soát xuất khẩu của Tokyo.
Đàm phàn thương mại Hàn-Nhật vẫn còn nhiều khoảng cách ảnh 1Trưởng đoàn đàm phán của Hàn Quốc Chung Hae-kwan phát biểu tại cuộc họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ, ngày 11/10. (Nguồn: YONHAP/TTXVN)

Ngày 11/10, Hàn Quốc và Nhật Bản đã kết thúc vòng đàm phán thứ nhất về tranh cãi thương mại song phương với một thỏa thuận sẽ gặp lại để tiếp tục tiến hành các hoạt động tham vấn. Song hai bên tỏ ra vẫn còn nhiều khoảng cách trong vấn đề này.

Phái đoàn hai nước đã gặp nhau tại Geneva sau khi Seoul khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hồi tháng trước về chính sách thắt chặt các hoạt động kiểm soát xuất khẩu của Tokyo.

Phát biểu trước báo giới, trưởng đoàn đàm phán của Hàn Quốc Chung Hae-kwan cho biết hai bên đã nhất trí rằng các cuộc tham vấn tiếp theo là cần thiết và quyết định lên kế hoạch cho vòng đàm phán song phương thứ hai thông qua các kênh ngoại giao.

Khiếu nại hồi tháng Chín của Seoul cáo buộc Tokyo vi phạm một số quy tắc thương mại quốc tế, bao gồm Điều 11 của Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT), trong đó cấm các nước đưa ra quy định về khối lượng xuất khẩu trừ khi các sản phẩm có ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia.

Hàn Quốc cũng tuyên bố rằng Nhật Bản đã vi phạm Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) và Hiệp định các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại (TRIMS).

[Hàn Quốc đề nghị Mỹ giúp giải quyết tranh cãi với Nhật Bản]

Động thái này được đưa ra sau khi Nhật Bản từ tháng Bảy bắt đầu hạn chế hoạt động xuất khẩu sang Hàn Quốc ba loại vật liệu công nghiệp gồm fluoride polyimide, chất cản quang và hydro fluoride – những vật liệu rất quan trọng cho việc sản xuất chip và màn hình hiển thị.

Seoul coi biện pháp trên là sự trả đũa cho phán quyết của tòa án Hàn Quốc về việc một số công ty Nhật Bản phải bồi thường cho các nạn nhân Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động trong thời kỳ Bán đảo Triều Tiên là thuộc địa của nước này từ năm 1910-1945.

Về phía Nhật Bản, Tokyo đã tuyên bố những quy định hạn chế xuất khẩu là cần thiết bởi Hàn Quốc có một hệ thống kiểm soát xuất khẩu “lỏng lẻo” đối với những hàng hóa nhạy cảm.

Bộ thương mại Hàn Quốc tuyên bố rằng những cáo buộc do Nhật Bản nêu ra là không có căn cứ và họ không thể biện minh cho một chính sách thương mại phân biệt đối xử chỉ nhắm vào nền kinh tế số 4 của châu Á.

Ông Chung nói thêm rằng nếu cả hai không thể thu hẹp sự khác biệt của họ trong vòng 60 ngày kể từ thời điểm khiếu nại là ngày 11/9, Hàn Quốc có thể yêu cầu Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO thành lập một hội đồng để xem xét thêm về vụ việc.

Ngoài ra, ông Chung cũng nhấn mạnh các cuộc tham vấn song phương thường kết thúc sau một vòng. Nhưng việc hai bên đồng ý tham vấn thêm đồng nghĩa là cả hai nước đã sẵn sàng đối thoại và làm việc cùng nhau.

Phái đoàn Nhật Bản cũng đã tổ chức một cuộc họp báo riêng trong cùng ngày.

Tại cuộc họp báo, trưởng đoàn đàm phán Nhật Bản Junichiro Kuroda cho rằng Hàn Quốc đã không ứng xử phù hợp khi đưa tranh chấp này lên WTO vì lý do "chính trị."

Ông Junichiro Kuroda khẳng định Nhật Bản lo ngại về những lỗ hổng của hệ thống quản lý xuất khẩu của Hàn Quốc, và nước này cho phép xuất khẩu các vật liệu nêu trên khi xác minh rằng chúng chỉ được dùng cho mục đích dân sự. Vì vậy, đó không phải là một lệnh cấm vận từ phía Nhật Bản.

Ông Kurroda cũng tuyên bố rằng các quy định thắt chặt xuất khẩu không liên quan gì đến phán quyết của tòa án Hàn Quốc về vấn đề lao động cưỡng bức./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục