Ngày 18/6, Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi các nước Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) họp thượng đỉnh khẩn cấp dự kiến vào ngày 22/6 tới sau khi cuộc đàm phán về nợ của Hy Lạp đã kết thúc mà không đạt kết quả.
Đồng thời, EU cảnh báo khả năng sẽ xảy ra "tai nạn" đẩy Athens rời khỏi Eurozone nếu hai bên không phá được thế bế tắc vào cuối tháng này.
Cuộc đàm phán kéo dài 90 phút tại Hội nghị các bộ trưởng Tài chính Eurozone ở Luxembourg ngày 18/6 đã không thể phá băng cho khoản cứu trợ 7,2 tỷ euro mà Athens đang vô cùng cần thiết để tránh nguy cơ phá sản đang cận kề.
Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis chỉ trích Athens đã có thái độ "không nghiêm túc" trong thảo luận.
Người đứng đầu nhóm các bộ trưởng Tài chính Eurozone (Eurogroup) Jeroen Dijsselbloem phát biểu trước báo giới cho rằng thời gian "đã hết" và hiện giờ "quả bóng nằm ở phía chân Hy Lạp," ngụ ý bước đi tiếp theo tiến gần thỏa thuận phải đến từ phía Athens.
Ý kiến trên cũng nhận được sự nhất trí từ phía một trong những chủ nợ lớn nhất của Hy Lạp là Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde nhắc lại nghĩa vụ thanh toán nợ trước ngày 30/6 nếu Athens muốn tránh vỡ nợ, đồng thời chỉ trích thái độ của nước này trong đàm phán.
Nguồn tin của hãng AFP nói rằng Hy Lạp đã giữ thái độ bất hợp tác, thậm chí còn không đặt ra vấn đề mở rộng chương trình cứu trợ như vẫn mong muốn cho đến nay.
Về phần mình, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis cho biết tại hội nghị, ông đã đưa ra các đề xuất mới, song cũng khẳng định Athens không thực hiện yêu cầu cải cách lương hưu và thuế.
Theo tin từ hãng thông tấn TASS của Nga, ông Varoufakis đã đề xuất thành lập một Hội đồng độc lập để giám sát ngân sách nước này.
Theo lời ông Varoufakis, đề xuất của ông đã không nhận được bất kỳ "nhận xét nào" từ phía lãnh đạo Eurozone. Còn về những yêu cầu "thắt lưng buộc bụng," người đứng đầu Bộ Tài chính Hy Lạp nêu rõ, Athens không thể đáp ứng đủ yêu cầu tiết kiệm của các chủ nợ thậm chí cả khi "giải tán quân đội."
Trong khi đó, Chủ tịch EU Donald Tusk tuyên bố sẽ triệu tập hội nghị thượng đỉnh bất thường của Eurozone vào ngày 22/6 tới để quyết định về vấn đề Hy Lạp.
Vấn đề phá sản của Hy Lạp trở nên rõ rệt khi lần đầu tiên vào ngày 17/6, Ngân hàng trung ương nước này cảnh báo khả năng rời khỏi Eurozone, thậm chí cả EU, "một cách đau đớn."
Ngoài khoản thanh toán cho IMF lên tới 1,6 tỷ euro trong tháng Sáu, Athens còn đối mặt với 6,7 tỷ euro phải thanh toán cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong tháng Bảy và tháng Tám.
Chính quyền của Thủ tướng Alexis Tsipras cũng mới cảnh báo có thể sẽ áp dụng biện pháp kiểm soát vốn khi hệ thống tài chính đã cạn kiệt tiền./.