Tình hình chính trị tại Iceland vẫn tiếp tục rối ren sau khi các cuộc đàm phán thành lập chính phủ liên minh ở quốc gia này hôm 15/11 rơi vào bế tắc, hơn 3 tuần kể từ sau cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn.
Phát biểu trên kênh truyền hình RUV, Bộ trưởng Tài chính đồng thời là lãnh đạo đảng Độc lập theo đường lối bảo thủ, Bjarni Benediktsson cho biết các đảng tham gia đàm phán, gồm đảng Độc lập (21 ghế), đảng Cải cách (7 ghế) và đảng Tương lai tươi sáng (4 ghế), đã không tìm được tiếng nói chung cho việc thành lập liên minh trung hữu chiếm đa số mong manh trong Quốc hội mới gồm 63 ghế.
Theo ông, các cuộc đàm phán này cho thấy sẽ là rất mạo hiểm khi điều hành chính phủ với một liên minh chiếm đa số mong manh trong Quốc hội.
Trong khi đó, Chủ tịch đảng "Tương lai tươi sáng" Ottarr Proppe xác nhận 3 đảng đã không thể đạt được sự đồng thuận đối với một số vấn đề then chốt liên quan đến Liên minh châu Âu (EU), cải cách thể chế và đánh bắt cá.
Trước đó, Thủ tướng Sigurdur Ingi Johannsson - người vừa kế nhiệm cựu Thủ tướng David Gunnlaugsson cách đây 6 tháng do liên quan vụ bê bối rò rỉ "Hồ sơ Panama," đã phải từ chức sau cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn hôm 29/10 trong bối cảnh không đảng nào giành chiến thắng đa số.
Động thái này dẫn tới việc Tổng thống Gudni Johannesson chỉ định Bộ trưởng Tài chính Benediktsson đứng ra thành lập chính phủ mới. Tuy nhiên, khi việc đàm phán nói trên không đạt được kết quả mong muốn, Tổng thống Johannesson nhiều khả năng sẽ phải chỉ định một nhân vật khác đứng ra thành lập chính phủ, trong đó có thể là liên minh giữa đảng "Pirate", đảng Xanh, đảng Cải cách và đảng Tương lai tươi sáng.
Chính trường Iceland chao đảo hồi đầu tháng Tư vừa qua sau khi Thủ tướng David Gunnlaugsson phải từ chức do những áp lực sau vụ rò rỉ "Hồ sơ Panama." Cùng với những khó khăn phải vực dậy nền kinh tế sau khủng hoảng, khủng hoảng chính trị đang khiến Iceland lâm vào tình trạng bất ổn./.