Ngày 19/7, lãnh đạo của CH Serbia và vùng lãnh thổ Kosovo đổ lỗi cho nhau sau khi đạt ít tiến triển trong cuộc đàm phán do Liên minh châu Âu (EU) làm trung gian nhằm giải quyết những tranh chấp lãnh thổ gai góc nhất tại châu Âu.
Đặc phái viên của EU Miroslav Lajcak nói: “Cuộc đàm phán đã rất khó khăn và cho thấy cách tiếp cận rất khác nhau của hai phía đối với việc bình thường hóa quan hệ giữa Kosovo và Serbia. Kết quả là, chúng tôi chỉ đạt được ít tiến triển hôm nay.”
Tại cuộc họp diễn ra ở thủ đô Brussels (Bỉ), Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic đổ lỗi cho người đứng đầu chính quyền Kosovo Albin Kurti vì đã từ chối các đề xuất của EU để thúc đẩy xác định danh tính những người mất tích và ngăn chặn các hành vi có thể khiến gia tăng căng thẳng.
Về phần mình, ông Albin Kurti đáp trả rằng phía Serbia đã “không đọc” mà bác bỏ thỏa thuận hòa bình 6 điểm do ông đưa ra. Mặc dù vậy, đại diện EU cho biết 2 nhà lãnh đạo vẫn nhất trí tiếp tục các cuộc đàm phán và sẽ gặp lại nhau trong tháng 9 tới.
Đây là cuộc họp lần thứ 2 giữa các lãnh đạo Serbia và Kosovo chỉ trong một tháng khi EU đang nỗ lực “thổi luồng sinh khí mới” vào các cuộc đàm phán kéo dài cả thập kỷ qua để giải quyết những bất đồng gây tổn hại cho mối quan hệ hơn 20 năm sau khi hai bên chia tách.
[Serbia và vùng lãnh thổ Kosovo sẽ nối lại đàm phán vào tuần tới]
Cuộc họp gần đây giữa Serbia và Kosovo được tổ chức tại Brussels ngày 15/6 vừa qua, song cũng không đạt tiến triển. Đây là lần đầu tiên trong gần một năm, Serbia và Kosovo nối lại đàm phán và cũng là cuộc gặp đầu tiên kể từ khi lãnh đạo theo đường lối cải cách cánh tả Kurti tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội hồi tháng 2 năm nay. Ông Kurti cam kết thực hiện một chiến lược mới trong đàm phán với Tổng thống Vucic.
Vùng lãnh thổ Kosovo tuyên bố độc lập khỏi Serbia từ năm 2008. Chính phủ Serbia không công nhận Kosovo là quốc gia có chủ quyền, song đã bắt đầu bình thường hóa quan hệ với chính quyền Kosovo nhằm hướng tới mục tiêu gia nhập EU.
Từ tháng 3/2011, EU đã khởi xướng các cuộc đàm phán giữa Serbia và Kosovo, coi đây là cách duy nhất để Serbia đạt mục tiêu gia nhập khối này. Hai bên đã đạt được hơn 10 thỏa thuận, nhưng đa số văn kiện này hiện vẫn chưa được thực hiện./.