Theo trang mạng asiatimes.com, các cuộc thảo luận cấp cao về các vấn đề hàng hải giữa Nhật Bản và Trung Quốc đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến hồi tuần trước.
Đây là cuộc họp thứ 14 về vấn đề này trong thập kỷ qua.
Ý định ban đầu là thảo luận về các mối quan tâm và mối bận tâm chung ở khu vực Biển Hoa Đông và giải quyết các vấn đề tranh cãi.
Kết quả tích cực?
Không có kết quả tích cực nào từ cuộc họp này. Lập trường của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về “vấn đề chính,” chủ quyền đối với quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) và các khu vực xung quanh, là không thay đổi và không có dấu hiệu thay đổi.
Quân Giải phóng Nhân dân (PLA), Lực lượng Hải cảnh Trung Quốc và lực lượng dân quân hàng hải tiếp tục xâm nhập vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư).
Họ đang cố gắng buộc Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản rời đi, qua đó thể hiện “sự kiểm soát hành chính” của Bắc Kinh đối với khu vực này.
Nhiều ngư dân Nhật Bản không còn đánh cá trong khu vực này do lo sợ xảy ra đụng độ.
Trong khi đó, phía Nhật Bản sẽ không lùi bước để bảo vệ người dân và chủ quyền lãnh thổ, do đó, các cuộc đàm phán không đạt được kết quả nào.
Phía Nhật Bản đã yêu cầu Trung Quốc không vận hành các tàu tuần duyên ở vùng biển gần các đảo phía Nam của Nhật Bản.
Vài ngày sau cuộc họp, Lực lượng Hải cảnh Trung Quốc đã triển khai 2 tàu vào lãnh hải Nhật Bản trong phạm vi 12 hải lý của quần đảo Senkaku và ngay sau đó gia nhập cùng 2 tàu hải cảnh khác ở vùng biển liền kề.
Cần lưu ý rằng các tàu hải cảnh của Trung Quốc được thiết kế và trang bị vũ khí để chiến đấu, không phải để “tuần tra” như hầu hết các tàu tuần duyên của các quốc gia khác.
Tranh chấp lãnh thổ có thể dẫn đến chiến tranh
Cuộc họp đã thống nhất thiết lập một “đường dây nóng” giữa các cơ quan quốc phòng. Điều này là vô nghĩa.
Hai bên đã đề cập đến vấn đề này kể từ khi các cuộc đàm phán bắt đầu vào năm 2012 và không chắc là phía Trung Quốc sẽ “bắt máy,” như đã thấy trong trường hợp của đường dây nóng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tương tự, cam kết hợp tác trong các vấn đề khác như thực thi luật hàng hải, cứu hộ hàng hải, rác thải nhựa, đánh bắt trái phép và hợp tác công nghệ liên quan đến đại dương thực sự chẳng có ý nghĩa gì so với tranh chấp “lãnh thổ” giữa hai quốc gia. Đây là điều thực sự có thể dẫn đến chiến tranh.
Các cuộc đàm phán này đã diễn ra từ năm 2012 và không có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc đã giảm nhẹ các yêu cầu và điều chỉnh hành vi của nước này. Không có lý do gì để nghĩ rằng việc đàm phán thêm sẽ mang lại bất kỳ lợi ích nào.
Sử dụng sức ép phi quân sự
Đôi khi, cách tiếp cận tốt nhất là gây áp lực một cách gián tiếp. Tokyo có thể đưa ra các hạn chế mạnh mẽ hơn đối với hoạt động đầu tư và chuyển giao công nghệ đối với Trung Quốc. Bắc Kinh có thể hiểu rằng điều này là kết quả của hành vi khiêu khích xung quanh Quần đảo Senkaku.
Trung Quốc phụ thuộc vào dòng vốn đầu tư và công nghệ này vì kinh tế của nước này về cơ bản là yếu. Nếu không có đầu tư nước ngoài vốn mang lại cho Trung Quốc nguồn tiền tệ có thể hoán đổi và một số công nghệ then chốt, những khiếm khuyết về cấu trúc của nền kinh tế Trung Quốc sẽ nhanh chóng bị lộ ra.
Tất nhiên, vẫn có những người tin rằng tất cả các cuộc đàm phán đều tốt. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán dường như sẽ thành công hơn và mang lại kết quả tốt hơn khi có một kho vũ khí đầy đủ và bạn không ngại sử dụng nó. Đây không phải là điều gì mới mẻ đối với Bắc Kinh, nhưng có thể là tin tức mới đối với Tokyo./.