Đàm phán nhằm chấm dứt đình công tại Hollywood vẫn bế tắc

Các diễn viên lo ngại công nghệ có thể thay thế họ diễn xuất hoặc Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ sao chép hình dáng, giọng nói của họ để sử dụng vĩnh viễn mà không cần được đồng ý hay phải đền bù.
Các thành viên Hiệp hội Điện ảnh và Truyền hình Mỹ đình công bên ngoài Hollywood, California. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các nhà đàm phán đại diện cho các diễn viên và các hãng phim tại Hollywood vẫn chưa thể giải quyết mối lo ngại về Trí tuệ nhân tạo (AI) và nhiều vấn đề khác trong các cuộc thương lượng nhằm chấm dứt đình công kéo dài hơn 100 ngày qua trong ngành giải trí của Mỹ.

Ngày 1/11, Hiệp hội Diễn viên Màn ảnh (SAG-AFTRA) - đại diện cho các diễn viên tham gia làn sóng đình công từ tháng 7, cho biết đã trình bày đề xuất sửa đổi về vấn đề sử dụng AI trước Liên minh các Nhà sản xuất Điện ảnh và Truyền hình Mỹ (AMPTP) - bên đứng ra thương lượng cho các hãng phim Hollywood như Walt Disney, Netflix.

SAG-AFTRA nêu rõ đã gặp đại diện của AMPTP hơn 3 giờ cùng ngày để trình bày và thảo luận về đề xuất sửa đổi của nghiệp đoàn.

[Mỹ: Đàm phán chấm dứt đình công của các diễn viên Hollywood thất bại]

SAG-AFTRA đang tìm cách hạn chế các hãng phim sử dụng công nghệ AI tổng quát khi sản xuất phim và các chương trình truyền hình.

Các diễn viên lo ngại công nghệ có thể thay thế họ diễn xuất hoặc AI sẽ sao chép hình dáng, giọng nói của họ để sử dụng vĩnh viễn mà không cần được đồng ý hay phải đền bù. Hai bên cũng tranh luận về nhiều vấn đề khác.

SAG-AFTRA nói rằng đang tiếp tục chờ phản hồi của AMPTP về đề xuất mà nghiệp đoàn đã gửi cho liên minh này ngày 28/10 vừa qua.

Từ giữa tháng 7 vừa qua, các thành viên SAG-AFTRA đã đình công, đòi tăng lương và nhiều quyền lợi khác.

Cũng trong năm nay, các nhà biên kịch phim và chương trình truyền hình cũng bãi công, yêu cầu tăng lương trong bối cảnh các chương trình phát trực tuyến (streaming) nở rộ, cũng như có biện pháp bảo vệ trước xu hướng sử dụng AI. Giới biên kịch đã đạt được thỏa thuận với AMPTP hồi cuối tháng 9.

Theo Viện Milken, các cuộc đình công rầm rộ trên khiến hoạt động sản xuất các chương trình giải trí tại Mỹ ngừng trệ, hàng nghìn người mất việc và nền kinh tế bang California thiệt hại ít nhất 6 tỷ USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục