Đàm phán Iran và Nhóm P5+1 đối mặt nhiều thách thức

Đàm phán Iran và Nhóm P5+1 đang phải đối mặt với nhiều thách thức để có thể thu hẹp được bất đồng trong lập trường của mỗi bên về quy mô chương trình hạt nhân của Iran.
Đàm phán Iran và Nhóm P5+1 đối mặt nhiều thách thức ảnh 1Toàn cảnh nhà máy hạt nhân nước nặng Arak. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 17/6, Iran và Nhóm P5+1 (gồm năm nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức) bắt đầu cuộc đàm phán chính thức lần thứ 5 tại Vienna (Áo) để thảo luận về các vấn đề còn tồn tại liên quan đến chương trình hạt nhân của Tehran.

Theo giới quan sát, các nhà đàm phán đang phải đối mặt với nhiều thách thức để có thể thu hẹp được bất đồng trong lập trường của mỗi bên về quy mô chương trình hạt nhân của Iran khi thời gian thương lượng chỉ còn năm tuần và nguy cơ kéo dài thời gian này là khó tránh khỏi.

Khó khăn lớn nhất hiện nay là cấu trúc của lò phản ứng nước nặng Arak; chương trình làm giàu uranium và việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây nhằm vào Iran.

Trong khi Mỹ yêu cầu các bên thảo luận về chương trình tên lửa của Iran, Tehran tuyên bố không có kế hoạch thảo luận về vấn đề liên quan đến quốc phòng của mình.

Một quan chức cấp cao chính quyền Barack Obama tiết lộ với báo giới rằng mặc dù vẫn còn những cách biệt đáng kể, sau hai ngày đàm phán riêng rẽ trong tuần qua giữa phái đoàn Mỹ và phái đoàn Iran, hai bên hy vọng có thể đạt được một thỏa thuận về việc hạn chế chương trình hạt nhân của Iran trước thời hạn chót mà Iran và nhóm P5+1 ấn định vào tháng ngày 20/7 tới.

Trong vòng đàm phán gần đây nhất hồi giữa tháng Năm vừa qua, hai bên vẫn tiếp tục chỉ trích nhau không thực tế khi đưa ra những yêu sách và các điều kiện không thể chấp nhận được tới mức Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius thất vọng mô tả là “cuộc thương thuyết đã húc vào tường.”

Hai bên vẫn còn nhiều điểm tranh cãi liên quan tới các điều khoản cụ thể trong thỏa thuận toàn diện, trong đó có thời hạn Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) giám sát các cơ sở hạt nhân của Iran, thời hạn kéo dài của thỏa thuận cũng như kế hoạch của Iran xây dựng lò phản ứng hạt nhân mới Arak mà Mỹ và phương Tây nghi ngờ có khả năng bắt đầu quá trình chế tạo bom hạt nhân.

Trong một nỗ lực nhằm tạo thuận lợi cho các cuộc đàm phán đang diễn ra ở Vienna, Ngoại trưởng Anh William Hague ngày 16/6 tuyên bố Anh sẽ tiến thêm một bước nữa tới việc thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với Iran.

Phát biểu trước các nghị sỹ Anh, ông Hague cho biết ông đã sẵn sàng công bố giai đoạn tiếp theo trong quá trình lâu dài bình thường hóa quan hệ giữa hai nước vốn bị gián đoạn sau vụ tấn công nhằm vào Đại sứ quán Anh tại Tehran hồi năm 2011.

Ông Hague cho rằng: "Trong nhiều thập kỷ qua, chúng ta có mối quan tâm chung với Iran trong nhiều vấn đề quan trọng, bao gồm cả việc ổn định tại Iraq và Afghanistan." Ông cũng cho rằng đang có hoàn cảnh để thúc đẩy hơn nữa quan hệ giữa hai nước và ông sẽ sớm công bố về việc này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục