Đàm phán hòa bình về xung đột tại Ukraine có thể diễn ra vào tháng 7

Trong cuộc gặp không chính thức, cố vấn an ninh quốc gia từ nhiều nước phương Tây và đại diện một số nước thuộc nhóm BRICS đã cùng thảo luận khả năng tiến hành hòa đàm với Nga.
Đàm phán hòa bình về xung đột tại Ukraine có thể diễn ra vào tháng 7 ảnh 1Một tòa chung cư bị phá huỷ trong xung đột, tại Dnipro, Ukraine ngày 14/1/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Kênh truyền hình ARD và hãng tin RND của Đức ngày 26/6 cho biết các cuộc đàm phán hòa bình liên quan xung đột tại Ukraine có thể diễn ra trong tháng 7 tới.

Thông tin này được đưa ra sau một cuộc gặp không chính thức tại Đan Mạch, trong đó cố vấn an ninh quốc gia từ nhiều nước phương Tây và đại diện một số nước thuộc nhóm BRICS đã cùng thảo luận khả năng tiến hành hòa đàm với Nga. Chính phủ Đức cũng đã xác nhận về cuộc gặp ở Đan Mạch này.

Theo ARD, tuần trước, các quan chức cấp cao của một số nước đã tổ chức cuộc họp không chính thức tại thủ đô Copenhagen của Đan Mạch để thảo luận về giải pháp cho cuộc xung đột ở Ukraine.

Đài truyền hình trên cho biết Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan và Cố vấn của Thủ tướng Đức Olaf Scholz, ông Jens Plötner là một số trong những quan chức có mặt tại sự kiện này.

Kênh truyền hình của Đức cho biết nội dung cuộc họp xoay quanh các điều kiện để Kiev và Moskva có thể ngồi vào bàn đàm phán, nỗ lực đảm bảo an ninh cho cả Ukraine và Nga, cũng như mức độ các bên có thể hỗ trợ Ukraine và khả năng tác động tới Nga.

ARD cho biết cuộc gặp cấp cao này là một bước tiến hướng tới cuộc đàm phán hoà bình cho vấn đề Ukraine và các cuộc hoà đàm chính thức có thể diễn ra sớm nhất là vào tháng 7.

Theo các nguồn tin trên, Ukraine đã khởi xướng cuộc gặp ở Đan Mạch để thể hiện rằng Kiev sẵn sàng đối thoại, nhưng cũng muốn làm rõ rằng các vùng lãnh thổ hiện nằm dưới sự quản lý của Nga sẽ không được sử dụng cho mục đích thương lượng để tiến tới một thỏa thuận hòa bình.

Người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Hebestreit sau đó xác nhận rằng Cố vấn chính sách đối ngoại của Thủ tướng Olaf Scholz là ông Plötzner đã tham gia cuộc đàm phán không chính thức về một giải pháp hòa bình khả thi cho Ukraine tại Copenhagen, song không đưa ra bất kỳ thông tin cụ thể nào về nội dung đàm phán.

[Ukraine, G7 họp bàn về sáng kiến hòa bình cho cuộc xung đột với Nga]

Theo tờ Finantial Times, cùng ngày, Đức đã phản đối kế hoạch của Uỷ ban châu Âu (EC) nhằm sử dụng các tài sản bị đóng băng của Ngân hàng trung ương Nga để giúp tái thiết Ukraine, với lý do rằng hành động vội vàng này có thể gây những rủi ro về pháp lý hoặc tài chính.

Ý kiến của Đức được đưa ra trong bối cảnh EC đang thúc đẩy kế hoạch huy động hàng tỷ euro hỗ trợ để tái thiết Ukraine, bằng cách yêu cầu các tổ chức tài chính đang nắm giữ tài sản cố định của Nga chuyển lại một số lợi nhuận.

Trước đó, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cũng đã đưa ra một số cảnh báo về kế hoạch của EC. Một số quan chức cấp cao cho rằng kế hoạch này có thể dẫn đến "những vấn đề phức tạp về mặt tài chính và pháp lý."

Trong một diễn biến liên quan, mới đây tại cuộc họp ở Luxembourg, ngoại trưởng các nước Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí bổ sung 3,5 tỷ euro cho quỹ viện trợ vũ khí và trang thiết bị quân sự cho Ukraine và các nước đối tác khác.

Thụy Điển cũng mới cam kết viện trợ bổ sung 380 triệu kronor (35 triệu USD) cho Ukraine.

Bộ trưởng Hợp tác Phát triển quốc tế Thụy Điển Johan Forsell cho biết, gói nhân đạo này nhắm cụ thể đến "những nhu cầu cấp thiết nhất" trong bối cảnh nhu cầu viện trợ nhân đạo tại Ukraine gia tăng sau khi đập Kakhovka bị vỡ.

Bộ trưởng Forsell cho biết những nhu cầu thiết yếu này bao gồm thực phẩm và nước sạch, chăm sóc sức khỏe, tài trợ cho nỗ lực rà phá bom mìn và hỗ trợ đối với các tổ chức phi chính phủ.

Trong khi đó, Hungary đã bày tỏ không đồng ý để EU giải ngân đợt viện trợ quân sự tiếp theo theo Cơ chế Hòa bình châu Âu (EPF) cho Ukraine, với lý do liên quan việc Ukraine đưa ngân hàng lớn nhất Hungary OTP vào "danh sách các nhà tài trợ chiến tranh quốc tế."

EPF được EU tạo ra năm 2021, là công cụ ngoài ngân sách nhằm tăng cường năng lực của EU trong ngăn chặn xung đột, xây dựng hòa bình và củng cố an ninh quốc tế. EU tới nay cung cấp gần 4 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine theo khuôn khổ EFP./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục