Ngày 25/1, cuộc đàm phán giữa các đảng phái chính trị ở Yemen với nhóm phiến quân Hồi giáo Houthi, do Liên hợp quốc bảo trợ nhằm hóa giải cuộc khủng hoảng chính trị ở nước này, đã đổ vỡ khi ba đảng chính từ bỏ đàm phán. Động thái này được dự báo sẽ làm gia tăng tình trạng rối loạn tại quốc gia Trung Đông này.
Đại diện đảng Hồi giáo Islah, đảng Xã hội và đảng Nasserite, thân với Tổng thống Mansour Hadi, đã bác bỏ việc đối thoại với phiến quân Houthi vì cho rằng lực lượng này không thực hiện cam kết của mình sau khi Tổng thống Hadi từ chức, và phản đối một cuộc trấn áp của Houthi trong cuộc biểu tình cùng ngày.
Người phát ngôn của ba đảng trên, ông Mohamed Qabati yêu cầu phiến quân Houthi trả tự do cho nhóm 11 nhà hoạt động và nhà báo đang bị nhóm này giam giữ, đồng thời kêu gọi tiếp tục các cuộc biểu tình hòa bình để phản đối nhóm Houthi.
Houthi hiện đang chiếm đóng thủ đô Sanaa. Hồi tuần trước, Tổng thống Hadi đã đệ đơn từ chức dưới sức ép của Houthi. Phiến quân này vẫn đang bao vây dinh thự của ông. Ngày 25/1, Quốc hội nước này đã hoãn phiên họp bất thường để tìm phương án giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị. Trước đó, các nghị sĩ đã bác đơn từ chức của Tổng thống. Cuộc khủng hoảng chính trị tại Yemen càng lún sâu vào bế tắc khi Thủ tướng Khaled Bahah cũng đệ đơn từ chức, tạo ra khoảng trống quyền lực tại quốc gia vùng Vịnh này.
Lo ngại trước các diễn biến ngày một xấu đi tại Yemen, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông báo triệu tập một cuộc họp kín vào ngày 26/1 theo giờ Mỹ (tức ngày 27/1 giờ Việt Nam) nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay./.