Đàm phán hạt nhân Iran và P5+1 bước đầu đạt tiến bộ

Kết thúc ngày làm việc thứ hai, Nhóm P5+1 và Iran đã đạt tiến bộ nhất định hướng tới một thỏa thuận toàn diện nhằm chấm dứt bế tắc hạt nhân.
Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Catherine Margaret Ashton (thứ hai, trái), Bộ trưởng Ngoại giao Iran Javad Mohammad Zarif (thứ hai, phải) và các đại biểu khác tại cuộc đàm phán ngày 18/2. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Kết thúc ngày làm việc thứ hai 19/2, các cuộc đàm phán đang diễn ra ở thủ đô Vienna của Áo giữa Nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Anh, Nga, Mỹ, Pháp, Trung Quốc cùng với Đức) với Iran đã đạt tiến bộ nhất định hướng tới một thỏa thuận toàn diện nhằm chấm dứt bế tắc kéo dài một thập kỷ xoay quanh chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran.

Các phương tiện thông tin đại chúng của Nhà nước Iran cho hay hai phía đã tiến gần thỏa thuận khung về cách thức tiến hành các vòng đàm phán tiếp theo trong những tháng tới.

Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf xác nhận các nhà đàm phán đã thảo luận cả tiến trình lẫn nội dung các cuộc đàm phán tiếp theo "trên tinh thần xây dựng và hữu ích."

Trước đó, trong ngày đàm phán đầu tiên (18/2), Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cho biết đàm phán đã khởi đầu đúng hướng. Hai bên chia sẻ mục tiêu đảm bảo để Iran triển khai chương trình hạt nhân hoàn toàn vì mục đích hòa bình.

Ông Zarif khẳng định mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được nhưng cần phải được thảo luận trong một hoặc hai vòng đàm phán nữa và cần có "sự đổi mới và tư duy tích cực."

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo khác của Iran tỏ ra thận trọng hơn về triển vọng đạt thỏa thuận có thể làm hài lòng những người có lập trường cứng rắn ở cả hai phía cũng như Israel và người Hồi giáo dòng Sunni ở vùng Vịnh.

Trước khi diễn ra vòng đàm phán này, Lãnh tụ tinh thần tối cao của Iran Ali Khamenei, người có tiếng nói cuối cùng trong mọi vấn đề của Tehran, nhận định đàm phán hạt nhân sẽ "chẳng đi đến đâu," nhưng tuyên bố không cản trở các nỗ lực đàm phán.

Theo hãng tin AFP, Ngoại trưởng Iran Zarif và Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại Catherine Ashton tổ chức họp báo trong sáng 20/2.

Hai bên hy vọng xây dựng được thỏa thuận dài hạn dựa trên thỏa sơ bộ đạt được tháng 11 năm ngoái ở thành phố Geneva (Thụy Sĩ) nhưng sẽ hết hiệu lực vào ngày 20/7 tới.

Theo thỏa thuận sơ bộ, Iran nhất trí ngừng làm giàu urani trên mức 5% trong vòng sáu tháng, đổi lại, các chính phủ phương Tây cam kết nới lỏng các biện pháp trừng phạt gây thiệt hại cho Iran nhiều tỷ USD từ các nguồn thu dầu mỏ và không áp dụng các biện pháp trừng phạt mới.

Thỏa thuận cuối cùng tạo điều kiện để Iran tiếp tục chương trình hạt nhân dân sự, nhưng với quy mô nhỏ hơn và với sự giám sát chặt chẽ hơn nhằm đảm bảo Tehran không có khả năng sản xuất bom hạt nhân.

Để dỡ bỏ mọi biện pháp trừng phạt đối với Iran, các nước phương Tây muốn chương trình phát triển hạt nhân của Iran diễn ra trong khuôn khổ phù hợp với nhu cầu thực tế của Iran như đã được hai bên nhất trí trong thỏa thuận sơ bộ, nhưng trong một thời gian dài.

Từ Tehran, Tư lệnh Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran, Tướng Mohammad Ali Jafari, ngày 19/2 cảnh báo đàm phán không được vượt "giới hạn đỏ," đồng thời tuyên bố Iran sẽ "chiến thắng dưới bất kỳ hình thức nào" trong tiến trình đàm phán hạt nhân.

Trước đó, Tehran phản đối mọi hành động nhằm dỡ bỏ bất kỳ cơ sở hạt nhân nào của nước này trong bối cảnh trưởng đoàn đàm phán Mỹ tuyên bố Iran không cần cơ sở ở Fordo hay một lò phản ứng nước nặng mới ở Arak./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục