Các cuộc đàm phán giữa Iran và Nhóm P5+1 về vấn đề hạt nhân của Tehran tại Vienna (Áo) lại bị đình hoãn ngày 19/6 do nhiều "bất đồng cơ bản" đối với những vấn đề quan trọng.
Tình huống bế tắc này diễn ra trong bối cảnh chỉ còn một tháng nữa là tới thời hạn phải đạt được thỏa thuận cho vấn đề hạt nhân Iran.
Hãng thông tấn Iran ISNA dẫn lời một quan chức cấp cao Iran cho biết "tình hình tiến triển rất chậm, nhiều vấn đề còn vướng mắc trong khi còn rất ít thời gian."
Trong khi đó, phương Tây tỏ ý "lo ngại" và đổ lỗi cho phía Iran đã "không có những thay đổi trong hầu hết các chủ đề" trong đàm phán với các cường quốc.
Nhóm P5+1 (gồm Anh, Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Nga cùng với Đức) và Iran bắt đầu các cuộc đàm phán kể từ đầu năm 2014 và hai bên đã đạt được kết quả ban đầu. Theo đó, Iran đảm bảo với các cường quốc rằng nước này không tìm cách sở hữu bom hạt nhân để đổi lại việc dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận quốc tế trừng phạt Iran, nhờ đó mỗi tuần Iran thu được 2 tỷ USD từ bán dầu.
Nhóm P5+1 và Iran vừa nối lại đàm phán từ ngày 16/6 và cho biết các bên đã bắt đầu xây dựng dự thảo thỏa thuận cuối cùng. Tuy nhiên, nhiều nguồn tin cho rằng việc soạn thảo mới chỉ bắt đầu với tiêu đề là "Chương trình tổng thể về hành động chung" và một số phần phụ, tạm gạt ra ngoài các vấn đề then chốt.
Một nguồn tin từ nhóm P 5+1 ngày 19/6 cũng thừa nhận tiến trình sẽ rất khó khăn.
Có hai bất đồng cơ bản ngăn cản việc tiến tới thỏa thuận ký kết hiệp định. Vấn đề thứ nhất liên quan việc làm giàu urani, điều cần thiết để tiến tới sở hữu vũ khí hạt nhân. Phía Iran luôn khẳng định rằng chương trình hạt nhân của nước này chỉ phục vụ mục đích dân sự và vì thế yêu cầu bảo lưu khả năng làm giàu urani.
Vấn đề thứ hai liên quan tiến trình dỡ bỏ các biện pháp cấm vận mà phương Tây áp đặt chống Iran sau khi đạt được thỏa thuận.
Ngoại trưởng Iran Mohammed Javad Zarif cho rằng "tiến trình dỡ bỏ các biện pháp cấm vận sẽ phải được thực hiện theo một lộ trình cụ thể", nhưng hiện các bên vẫn còn bất đồng về vấn đề này./.