Đàm phán giữa đại diện Mỹ và lực lượng Taliban vẫn vướng mắc

Mỹ muốn có được sự đảm bảo rằng lực lượng Taliban sẽ từ bỏ mối quan hệ với mạng lưới khủng bố Al-Qaeda và ngăn chặn các nhóm chiến binh khác như tổ chức IS ẩn náu ở Afghanistan.
Toàn cảnh vòng đàm phán hòa bình Afghanistan ở Doha, Qatar, diễn ra hôm 7/7. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Toàn cảnh vòng đàm phán hòa bình Afghanistan ở Doha, Qatar, diễn ra hôm 7/7. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 4/8, các đại diện của Mỹ và lực lượng Taliban tiến hành ngày đàm phán thứ hai trong khuôn khổ vòng đàm phán thứ tám đang diễn ra tại Doha (Qatar), thảo luận về giải pháp tiến tới một thỏa thuận chấm dứt cuộc xung đột kéo dài suốt 18 năm qua tại Afghanistan.

Tuy nhiên, hiện chưa có thông tin chính thức về những tiến bộ của tiến trình đàm phán, cũng không rõ hai bên có tiếp tục ngày đàm phán thứ ba hay không. 

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, Mỹ không che giấu ý định rút quân khỏi Afghanistan và sớm chấm dứt cuộc chiến "hao người tốn của" này.

Tuy nhiên, Washington trước hết muốn có được sự đảm bảo rằng lực lượng Taliban sẽ từ bỏ mối quan hệ với mạng lưới khủng bố Al-Qaeda và ngăn chặn các nhóm chiến binh khác như tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ẩn náu ở Afghanistan.

Washington hy vọng sẽ ký thỏa thuận hòa bình với Taliban trước ngày 1/9, trước khi diễn ra cuộc bầu cử tại Afghanistan trong cùng tháng, cũng như bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2020.

[Afghanistan: Nổ tại thủ đô Kabul sau khi nối lại đàm phán mới ở Doha]

Trên trang twitter cá nhân, đặc phái viên Mỹ về vấn đề Afghanistan, Zalmay Khalizad khẳng định: "Chúng tôi đang theo đuổi một thỏa thuận hòa bình chứ không phải là thỏa thuận rút quân, hay một thỏa thuận hòa bình cho phép rút quân."

Theo ông, sự hiện diện của Mỹ tại Afghanistan đi kèm các điều kiện, nên mọi thỏa thuận rút quân cũng có điều kiện.

Tại vòng đàm phán lần này, hai bên sẽ tiếp tục nỗ lực xây dựng thỏa thuận hòa bình bao gồm việc rút hơn 20.000 binh sỹ Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) khỏi Afghanistan và chấm dứt cuộc chiến dài nhất của Mỹ; đảm bảo rằng Afghanistan sẽ không chứa chấp các nhóm khủng bố khu vực như Al-Qaeda và Taliban sẽ tiếp tục chiến đấu chống tổ chức IS vốn đã mở rộng sự hiện diện trong những năm gần đây...

Vòng đàm phán diễn ra trong bối cảnh bạo lực liên tục gia tăng tại Afghanistan. Phái bộ của Liên hợp quốc tại Afghanistan (UNAMA) ngày 2/8 công bố báo cáo cho biết trong tháng 7 vừa qua, số nạn nhân là dân thường thiệt mạng và bị thương trong các vụ bạo lực ở nước này đã lên cao kỷ lục, hơn 1.500 người.

Đây cũng là tỷ lệ thương vong cao nhất trong 1 tháng được ghi nhận kể từ tháng 5/2017./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục