Các nỗ lực nhằm giúp Argentina đạt được thỏa thuận với các chủ nợ là hai quỹ đầu tư mạo hiểm NML Capital và Aurelius Management chưa có kết quả trong bối cảnh đàm phán giữa hai bên vẫn chưa đưa ra được giải pháp nào.
Đàm phán giữa Chính phủ Argentina với hai quỹ đầu tư mạo hiểm tại Mỹ được khởi động sau khi Tòa án Tối cao Mỹ bác kháng cáo của Chính phủ Argentina về một phán quyết của tòa cấp dưới, buộc nước này đến ngày 30/6, phải thanh toán đầy đủ tiền nợ và tiền lãi, tổng cộng khoảng 1,3 tỷ USD, cho các chủ nợ không chấp thuận chương trình tái cơ cấu nợ của Buenos Aires.
Quyết định trên đã gây ra sự phản đối mạnh mẽ từ phía Argentina, quốc gia vốn rơi vào khủng hoảng kinh tế trầm trọng kể từ sau vụ vỡ nợ 100 tỷ USD năm 2001. Theo Buenos Aires, phán quyết sẽ tạo ra tiền lệ xấu, đẩy Argentina vào cuộc chiến với tất cả các chủ nợ không tham gia chương trình tái cơ cấu nợ của nước này.
Như vậy, không chỉ thanh toán 1,3 tỷ USD cho hai quỹ đầu tư mạo hiểm của Mỹ, Argentina còn có nguy cơ phải thanh toán cho tất cả các chủ nợ không hợp tác với Buenos Aires số tiền lên tới 15 tỷ USD - chiếm hơn một nửa kho dự trữ ngoại hối của nước này.
Chính phủ Argentina chỉ trích quyết định của tòa án Mỹ đã giáng đòn mạnh vào nỗ lực tiếp cận thị trường vốn quốc tế cũng như chương trình tái cơ cấu nợ, đe dọa đẩy Argentina rơi vào đợt vỡ nợ thứ hai trong vòng 13 năm.
Trước tình hình này, căn cứ đề nghị của Argentina về việc tổ chức đàm phán với các chủ nợ nhằm tìm ra lối thoát, thẩm phán tòa liên bang New York Thomas Griesa đã chỉ định luật sư Daniel Pollack làm chủ tọa đặc biệt của tiến trình đàm phán.
Động thái này làm dấy lên hy vọng các bên sẽ đạt được thỏa thuận trước thời hạn chót 30/6, giúp cho Buenos Aires thoát khỏi tình trạng vỡ nợ ở mức kỷ lục.
Các chuyên gia cho rằng Buenos Aires đang mong muốn tái hòa nhập vào hệ thống tài chính thế giới và đàm phán với các chủ nợ là cách duy nhất để giúp quốc gia Nam Mỹ này đạt được mong muốn.
Trước đó, ngày 29/5, Chính phủ Argentina đã đạt được thỏa thuận với Câu lạc bộ các chủ nợ Paris về việc thanh toán các khoản nợ quá hạn hiện ở mức 9,7 tỷ USD, động thái được kỳ vọng giúp Argentina thoát khỏi tình trạng vỡ nợ ở mức kỷ lục và mở ra khả năng nhận được các nguồn tài trợ của quốc tế mà nước này đang rất cần./.