Đàm phán giải quyết khủng hoảng ở Macedonia không có tiến triển

Cuộc đàm phán ngày 20/5 giữa Thủ tướng Macedonia Nikola Gruevski và phe đối lập đã không đạt được bất kỳ bước đột phá nào để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.
Thủ tướng Macedonia Nikola Gruevski. (Nguồn: AFP)

Cuộc đàm phán ngày 20/5 giữa Thủ tướng Macedonia Nikola Gruevski và các đại diện đảng Dân chủ Xã hội (SDSM) đối lập đã không đạt được bất kỳ bước đột phá nào để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị hiện đang làm tê liệt quốc gia nhỏ bé vùng Balkan này.

Đàm phán do Nghị viện châu Âu (EP) làm trung gian, diễn ra tại trụ sở EP ở thành phố Strasbourg của Pháp, trong bối cảnh những người ủng hộ cả hai bên tiến hành các cuộc biểu tình kéo dài 4 ngày liên tiếp tại thủ đô Skopje của Macedonia.

Phe đối lập cáo buộc Thủ tướng Gruevski tham nhũng, tổ chức nhiều vụ nghe lén điện thoại và các việc làm sai trái khác, đồng thời tuyên bố sẽ tiếp tục biểu tình cho đến khi ông Gruevski chấp nhận từ chức.

Trong khi diễn ra cuộc đàm phán ở Strasbourg, khoảng 150 người ủng hộ phe đối lập vẫn cắm trại bên ngoài phủ thủ tướng để yêu cầu ông Gruevski phải rời nhiệm sở.

Tuy không đạt bất kỳ tiến triển nào, song theo tuyên bố của EP sau cuộc đàm phán, cả hai bên đã khẳng định cam kết nỗ lực trong tiến trình gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và nhất trí đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu.

Các đại diện trung gian hoan nghênh những nỗ lực của lãnh đạo các bên trong việc tiến tới một thỏa thuận đảm bảo lợi ích cho tất cả công dân Macedonia.

Dự kiến, các cuộc đàm phán giữa hai bên sẽ tiếp tục vào ngày 26/5 tới tại Skopje.

Căng thẳng chính trị tại Macedonia tăng cao từ tháng 1/2015 khi chính phủ nước cộng hòa này đưa ra các cáo buộc chống lại lãnh đạo đảng đối lập Zoran Zaev và 4 người khác liên quan tới hoạt động gián điệp và bạo lực chống chính quyền.

Ông Zaev đã bác bỏ các cáo buộc nói trên, đồng thời cáo buộc ngược lại chính phủ tiến hành nghe lén điện thoại của ít nhất 20.000 người, bao gồm các chính trị gia, nhà báo và các lãnh đạo tôn giáo.

Những mâu thuẫn gay gắt gần đây giữa Chính phủ Macedonia và phe đối lập đã đẩy quốc gia vùng Balkan này rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc, khiến EU phải đứng ra can thiệp và kêu gọi đối thoại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục