Liên minh châu Âu (EU) và Anh đã tiến hành vòng đàm phán thương mại thứ ba sau khi Anh rời khỏi EU (gọi là Brexit), trong bối cảnh hai bên đều đang phải đối mặt với những thách thức trước mắt nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng COVID-19.
Vòng đàm phán mới được khởi đầu bằng phiên toàn thể với sự tham dự của Trưởng đoàn đàm phán EU Michel Barnier và người đồng cấp Anh David Frost, tiếp đến là cuộc đàm phán trực tuyến giữa hàng trăm quan chức. Sau cuộc gặp, ông Barnier nhấn mạnh hai bên cần đạt được sự tiến bộ rõ rệt trên tất cả các lĩnh vực, bao gồm các tiêu chuẩn cạnh tranh mở và công bằng.
Hai vòng đàm phán đầu tiên diễn ra vào tháng Ba và tháng Tư hầu như không có tiến triển. Hôm 20/4, Anh và EU đã tiến hành vòng đàm phán thứ hai theo hình thức trực tuyến, chậm hơn một tháng so với dự kiến do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Sau đàm phán, ngày 24/4, ông Barnier nhận định hai bên đạt được rất ít tiến bộ.
Phía EU cho rằng Anh chỉ tập trung vào các vấn đề mà họ quan tâm và bỏ qua những nội dung thiết yếu đối với các thành viên EU, như đánh bắt cá hay các tiêu chuẩn tối thiểu về y tế và môi trường.
Ủy viên Thương mại EU Phil Hogan trong phát biểu ngày 7/5 cho rằng, bất chấp tính cấp bách và mức độ khó khăn của quá trình đàm phán, tiến triển đạt được rất chậm khi không có dấu hiệu thực sự cho thấy Anh có một kế hoạch để có thể đàm phán thành công.
[Đàm phán thương mại giữa Anh và Liên minh châu Âu: Ít hy vọng đột phá]
Trong khi đó, phía Anh cho biết nước này hoàn toàn thiện chí trong quá trình đàm phán. Người phát ngôn của Anh không đồng tình với cáo buộc nước này đã không cam kết đối thoại với EU ở bất kỳ lĩnh vực nào. Anh khẳng định sẽ tiếp tục đàm phán trên tinh thần xây dựng để tìm ra giải pháp cân bằng phản ánh thực tế chính trị ở cả hai phía.
Trong phát biểu hồi cuối tháng Tư, Chánh Văn phòng Nội các Anh Micheal Gove khẳng định có cơ hội để hai bên đạt được thỏa thuận thương mại tự do kể cả khi hạn chót là ngày 30/6 cho việc gia hạn giai đoạn chuyển tiếp đã cận kề.
Với việc phong tỏa do đại dịch COVID-19, EU cho rằng tiến bộ trong đàm phán sẽ chỉ xuất hiện vào gần thời hạn chót cuối năm. Nếu không có thỏa thuận nào đạt được vào ngày 31/12 thì các quy tắc thương mại của Tổ chức Thương mại Thế giới sẽ có hiệu lực, với thuế quan cao cùng sự xuất hiện của các rào cản hải quan giữa Anh và EU.
Anh chính thức rời EU vào cuối tháng 1/2020, nhưng vẫn tuân theo các quy định của khối này trong giai đoạn chuyển tiếp kéo dài tới cuối năm nay trong khi hai bên đàm phán thỏa thuận thương mại song phương.
Hiện cả EU và Anh đều cho rằng các lĩnh vực chính như ngư nghiệp và khái niệm "sân chơi bình đẳng” cho phép cạnh tranh công bằng và cởi mở đang là những rào cản chính đối với nỗ lực đạt được thỏa thuận thương mại giữa hai bên..
Ngày 14/5, các bộ trưởng hàng đầu của Thủ tướng Anh Boris Johnson nhất trí rằng nước này sẽ không từ bỏ quyền của một quốc gia độc lập bằng việc khuất phục trước những yêu cầu của EU tại các cuộc đàm phán về mối quan hệ trong tương lai giữa hai bên./.