Theo kế hoạch, Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) Chatherine Ashton, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và quyền Ngoại trưởng Ukraine Andriy Deshchytsya gặp nhau trong ngày 17/4 tại Geneva, Thụy Sĩ để tìm cách tháo ngòi cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Ukraine.
Tuy nhiên, dư luận không kỳ vọng cuộc đàm phán bốn bên này sẽ khai thông bế tắc kéo dài nhiều tháng qua ở Ukraine.
Một quan chức ngoại giao Mỹ yêu cầu giấu tên cho rằng cuộc đàm phán lần này khó có thể dẫn đến đối thoại thực chất giữa Nga và Ukraine mà chỉ tạo không gian cho EU, Mỹ, Nga và Ukraine xem xét cách thức tháo ngòi tình hình an ninh căng thẳng ở Ukraine.
Washington và Kiev muốn Nga giải giáp các lực lượng tự vệ ở một số "điểm nóng" thuộc miền Đông Ukraine mà Kiev cho là được Moskva hậu thuẫn, song bị Nga bác bỏ.
Ngay khi đến Thụy Sĩ, ông Deshchytsya đã kêu gọi Nga ngừng ủng hộ cái Kiev cho là "các hoạt động khủng bố" ở miền Đông Ukraine.
Ông Deshchytsya còn đưa ra một loạt yêu cầu khó có thể được đáp ứng như kêu gọi Nga xác nhận khu vực Crimea vừa sáp nhập vào Nga là một phần lãnh thổ của Ukraine.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga chỉ trích Chính quyền Mỹ ủng hộ cuộc chiến do Chính quyền lâm thời ở Ukraine phát động nhằm vào chính người dân nước này, một tín hiệu cho thấy sẽ không có sự nhượng bộ từ phía Nga trong cuộc đàm phán bốn bên.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimia Putin cảnh báo chiến dịch quân sự mà Chính quyền mới ở Ukraine vừa phát động ở miền Đông trên danh nghĩa "chống khủng bố" đang đẩy nước này đến bờ vực nội chiến.
Trước đó, ngày 16/4, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Stainmeier cảnh báo đàm phán bốn bên không được phép thất bại do tình hình ở miền Đông Ukraine đang trở nên nghiêm trọng.
Tuy nhiên, ông nhận định cuộc gặp này chỉ là một cơ hội chứ không phải sự đảm bảo cho một thỏa thuận hòa bình đối với Ukraine.
Các nhà quan sát lo ngại nếu đàm phán bốn bên thất bại, các nước phương Tây có thể áp đặt những biện pháp trừng phạt về tài chính và kinh tế cứng rắn và quy mô rộng hơn đối với Nga.
Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney cho biết Mỹ đang tích cực chuẩn bị các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào các khu vực nòng cốt trong nền kinh tế Nga như khai khoáng, năng lượng và tài chính.
Truyền thông Đức ngày 16/4 đưa tin nước này sẽ hỗ trợ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tăng cường sự hiện diện tại các nước thành viên phía Đông.
Kênh truyền hình N-TV dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đức, cho biết Berlin sẽ cử 1 tàu tiếp viện với 45 binh sỹ và sáu máy bay chiến đấu tham gia các hoạt động quân sự theo kế hoạch của NATO nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Trước đó cùng ngày, Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen thông báo liên minh quân sự này quyết định "tăng cường biện pháp quân sự" để ứng phó với cuộc khủng hoảng Ukraine./.