Đắm mình trong không gian giao lưu âm nhạc Á-Âu 2014

Lần đầu tiên, công chúng yêu nhạc được thưởng thức một cách tròn đầy nhất những thành tựu âm nhạc mới của các nhạc sĩ đương đại với nội dung đa dạng, phong phú của các hình thức, thể loại âm nhạc...
Nhạc trưởng Honna Tetsuji - Nhật Bản chỉ huy dàn nhạc (Ảnh: Hội Nhạc sỹ Việt Nam)

Tối 8/10, “Festival Âm nhạc mới Á – Âu 2014” lần đầu tổ chức tại Việt Nam đã chính thức khai màn tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào đúng dịp kỷ niệm những ngày thu lịch sử - 60 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954).

Đây cũng là lần đầu tiên, công chúng yêu nhạc được thưởng thức một cách tròn đầy nhất những thành tựu âm nhạc mới của các nhạc sĩ đương đại với nội dung đa dạng, phong phú của các hình thức, thể loại âm nhạc từ thính phòng, hợp xướng đến giao hưởng, nhạc kịch...

Thay mặt Chính phủ, phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã gửi lời chào mừng đến các đại biểu quốc tế và chúc Festival thành công, góp phần tăng cường giao lưu văn hóa, thắt chặt tình hữu nghị, hợp tác giữa các dân tộc hai châu lục và toàn thế giới.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá đây là cuộc gặp gỡ, giao lưu đầy mong ước góp phần vào sự hiểu biết về văn hóa, con người và cùng tăng cường đoàn kết, hữu nghị giữa các dân tộc.

“Chúng ta nhắc về quá khứ để cùng hướng tới tương lai và để càng trân trọng những cống hiến - trong đó có những tài năng, nhân cách lớn trong lĩnh vực âm nhạc - để càng nỗ lực vì hòa bình và nền văn minh nhân loại, nhất là trong bối cảnh một số nơi ở châu Á và cả châu Âu vẫn còn xung đột, bạo lực, còn máu đổ và tiếng khóc xé lòng của những người mẹ, người vợ và cả trẻ thơ..."

“Hãy để âm nhạc kết nối yêu thương giữa con người, làm sứ giả hòa bình để không còn tiếng đạn bom. Để không còn tiếng khóc khổ đau. Để chỉ nghe tiếng hát, tiếng cười. Như lời đại văn hào Victor Hugo ‘Âm nhạc thể hiện những điều không thể nói nhưng cũng không thể lặng im’ để nhường lại cho âm nhạc”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Ngay sau lễ khai mạc, công chúng yêu nhạc được chìm đắm trong không gian âm nhạc giao hưởng với 9 tác phẩm tiêu biểu của nhạc sĩ các nước: Bản khởi nhạc “Hồ Chí Minh” (Tatarstan);"Bài ca tình yêu" (Uzbekistan), "Nước mưa" (Pháp), "Mùa xuân lặng yên" (Na Uy),"Koroglu" (Azerbaijani), "Tamerlan’s camp" (Nga), "L’assaut sur la raison (Australia),"Điểm hẹn" (Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo – Việt Nam) và “Đối thoại” cho Đàn bầu và dàn nhạc (Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Việt Nam).

Ban tổ chức cho biết, sau đêm khai mạc này, từ ngày 9-12/10, Festival Âm nhạc mới Á – Âu sẽ tiếp tục có các buổi biểu diễn tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và Nhà hát Lớn Hà Nội với các thể loại, hình thức khác nhau như Giao hưởng, Thính phòng, Dân gian, Dân tộc, Nhạc kịch, Vũ kịch, Hợp xướng.

Đặc biệt, chương trình hòa nhạc dân tộc Việt Nam sẽ diễn ra tại Hang Đầu Gỗ (Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh) vào trưa 11/10 và chương trình “Giai điệu bạn bè” diễn ra tại Cung văn hóa Việt – Nhật (Hạ Long, Quảng Ninh) vào tối 11/10 với sự tham gia của nghệ sỹ nhân dân Quang Thọ, ca sĩ Hồ Quỳnh Hương, Nguyễn Ngọc Anh, Minh Quân, Nhật Thủy, Võ Hồng Quân…cùng một số nghệ sĩ các nước./.

Những hình ảnh đêm khai màn Festival Âm nhạc mới Á – Âu:

Toàn cảnh sân khấu đêm khai màn Festival Âm nhạc mới Á – Âu tối 8/10 tại Nhà Hát Lớn Hà Nội (Ảnh: Hội Nhạc sỹ Việt Nam)
Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo chỉ huy tác phẩm "Điểm hẹn" của ông (Ảnh: Hội Nhạc sỹ Việt Nam)
Nhạc trưởng Honna Tetsuji chỉ huy các nghệ sỹ Việt Nam (Ảnh: Hội Nhạc sỹ Việt Nam)
Đêm nhạc có sự giao thoa giữa âm nhạc dân tộc và giao hưởng. (Ảnh: Hội Nhạc sỹ Việt Nam)
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - chỉ huy tác phẩm "Đối thoại" của ông (Ảnh: Hội Nhạc sỹ Việt Nam)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục