60 năm đã đi qua kể từ ngày mở đường Trường Sơn lịch sử, nhưng ký ức về con đường huyền thoại và những năm tháng chiến đấu gian khổ “bám cầu, bám đường” vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của cặp vợ chồng cựu chuyên gia quân sự Điện Văn Hà và nữ y tá chiến trường Ngô Thị Vân.
Giữa đại ngàn Tây Trường Sơn ác liệt, tình đồng hương, đồng chí đơm bông thành tình yêu đôi lứa, là động lực để những người lính cùng vượt qua gian khổ.
Năm 1963, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên Điện Văn Hà (quê ở làng Trung Lân, xã Thạch Quý, thành phố Hà Tĩnh) lên đường nhập ngũ và được bổ sung vào Đoàn 559, trực tiếp chiến đấu trên tuyến lửa Trường Sơn.
Ông cùng đồng đội hành quân sang tỉnh Savanakhet (Lào) để thực hiện nhiệm vụ gùi thồ, vận chuyển vũ khí cho chiến trường miền Nam.
Năm 1965, khi đế quốc Mỹ sử dụng lực lượng không quân đánh vào tuyến lửa Trường Sơn, ông Điện Văn Hà được điều đến Hạ Lào làm chuyên gia quân sự giúp nước bạn xây dựng lực lượng, củng cố vùng giải phóng để kháng chiến lâu dài.
Cô gái Ngô Thị Vân (quê xã Thạch Phú, thành phố Hà Tĩnh ngày nay), lúc bấy giờ vừa tròn đôi mươi đang là y tá cho Binh trạm 31, Đoàn 550. Công việc của bà là làm giao liên tải thương binh và dẫn đường cho bộ đội. Tại đây, bà gặp ông Điện Văn Hà và họ đã nên duyên vợ chồng.
Nhớ lại lần đầu tiên gặp nhau, đôi vợ chồng già thoáng chút ngượng ngập. Đã gần 50 năm trôi qua nhưng những giây phút thiêng liêng đó vẫn được ông bà cất giữ trong tâm trí của mình.
Đó là vào cuối năm 1970, ông Điện Văn Hà được cấp trên phân công nhiệm vụ đi học tại miền Bắc. Trên đường đi, khi dừng chân tại Binh trạm 31, ông được một người bạn giới thiệu có cô gái Hà Tĩnh tên Vân đang công tác ở gần đó, nên đã tranh thủ hỏi thăm và tìm gặp.
Bà Ngô Thị Vân chia sẻ: “Chiến tranh, bom đạn bủa vây ở giữa đại ngàn Trường Sơn, gặp được một người đồng hương, lại cùng quê Hà Tĩnh, thực sự trân quý lắm."
Xuất phát từ tình đồng hương, họ dần cảm mến nhau rồi sau 3 ngày làm quen, chàng chuyên gia quân sự mở lời xin được cưới. Thoáng do dự nhưng sau một ngày suy nghĩ, bà đồng ý.
Bà Vân bày tỏ: “Không chỉ riêng chúng tôi mà nhiều cặp đôi tổ chức đám cưới giữa chiến trường cũng chỉ được làm quen ít ngày như thế. Bởi mưa bom đạn lạc, gặp được nhau và cảm mến nhau đó là một cái duyên rồi."
Sau khi báo cáo với cấp trên, đám cưới của đôi vợ chồng trẻ được diễn ra ngay tại căn hầm của binh trạm "nhà gái."
Ông Hà còn nhớ như in: “Đó là một căn hầm to, sức chứa được khoảng 120 người. Khi nghe tin có đám cưới, anh chị em bộ đội, thanh niên xung phong từ các đơn vị đóng quân gần đó đều có mặt chật kín căn hầm. Mỗi người một tay xúm lại vừa trang trí vừa chuẩn bị phòng tân hôn cho chúng tôi. Quà cưới là 1kg kẹo sôcôla Hà Nội và hai phong thuốc Tam Đảo, sau đó được chia ra cho mọi người, nhưng đó là một đám cưới rất vui và đầm ấm."
Sau đám cưới và đêm tân hôn “dã chiến” giữa đại ngàn Trường Sơn, ông bà lại chia tay nhau, mỗi người lên đường thực hiện nhiệm vụ riêng của mình.
Ông Hà ra Bắc học tập còn bà được phân công công tác tại Viện 52 của Đoàn 559 đóng ở Quảng Bình. Giữa năm 1971, đôi vợ chồng trẻ mới có dịp hội ngộ khi ông kết thúc khóa học, quay trở vào miền Nam nhận nhiệm vụ mới.
Kể từ lần gặp đó, họ lại tiếp tục xa nhau 5 năm, mọi nhớ nhung chỉ được gửi gắm qua những lá thư tay đến muộn.
[Sự phát triển của Đoàn 559-Bộ đội Trường Sơn và hệ thống đường HCM]
Năm 1976, khi nhiệm vụ thiêng liêng đối với Tổ quốc đã hoàn thành, ông Hà bà Vân mới nhớ đến chuyện hạnh phúc riêng tư, khi lúc này cưới nhau đã gần 6 năm nhưng vẫn chưa có con. Bà động viên ông rời quân ngũ, cùng bà trở về quê hương lập nghiệp.
Tại quê nhà, ông Điện Văn Hà tham gia Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh phường Thạch Quý (thành phố Hà Tĩnh) và luôn tích cực, năng nổ trong các hoạt động Hội.
Năm 2012, khi Hội Truyền thống Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh ra đời, ông chuyển sang làm Trưởng ban Liên lạc của thành phố Hà Tĩnh.
Bà Ngô Thị Vân trở về công tác trong ngành giáo dục huyện Thạch Hà cho đến khi nghỉ hưu. Ông Hà, bà Vân có với nhau 3 người con, đến nay đã trưởng thành.
Hiện nay, dù tuổi đã cao, đôi vợ chồng già vẫn hăng hái tham gia các tổ chức đoàn thể ở địa phương. Đặc biệt, họ đều là những hạt nhân quan trọng làm cầu nối gắn bó các thế hệ lính Trường Sơn trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh./.