Đám cưới online tưởng chừng chỉ có trong phim ảnh nhưng đã diễn ra ngoài đời thực khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở miền Nam. Đám cưới online của điều dưỡng Đỗ Thị Ngọc Diệp (Bệnh viện dã chiến số 16 tại Thành phố Hồ Chí Minh) đã khiến nhiều người xúc động và nhớ mãi.
Câu chuyện của điều dưỡng Đỗ Thị Ngọc Diệp đã khiến Trung tá quân nhân chuyên nghiệp Ngô Hoài Thu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 nhớ đến đám hỏi của một điều dưỡng nơi chị công tác. Đó là điều dưỡng trẻ Vũ Thị Quỳnh, Khoa Hồi sức Tim mạch, Viện Tim mạch. Đám hỏi online diễn ra vào ngày 14/9/2021.
Đám hỏi thực diễn ra tại Thái Bình, trong khi tại Hà Nội cô dâu trẻ miệt mài chăm sóc bệnh nhân, hướng dẫn các điều dưỡng của Trung tâm Hồi sức Tích cực, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 diễn tập điều trị bệnh nhân COVID-19.
Buổi trưa, sau khi cởi bộ đồ phòng hộ, cô vội vàng vào phòng trực, cầm điện thoại xem chăm chú, khuôn mặt đầy cảm xúc, ngập tràn hạnh phúc. Nhưng thời điểm đó khoa đang rất nhiều việc, mọi người ai cũng tất bật, chưa ai biết để chia sẻ niềm vui với cô gái trẻ ngay lúc đó.
COVID-19 đã làm nhiều thứ bị đình trệ nhưng hạnh phúc trăm năm thì không thể trì hoãn. Do đã dự kiến từ trước nên gia đình nhà trai đã chọn ngày lành tháng tốt mang lễ sang nhà gái. Chú rể ở Hà Nội cũng dự đám hỏi online, còn cô dâu thì hết giờ làm việc mới vào mạng internet xem lại đám hỏi của chính mình.
Phải đến sáng hôm sau, không khí tại buổi giao ban của khoa mới rộn ràng vì thông tin vui mừng ấy, ai cũng chúc mừng hạnh phúc cho Quỳnh. Mọi người cũng động viên nhau tuân thủ 5K, thực hiện tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, huấn luyện thật tốt để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, sớm được về Thái Bình tham dự đám cưới của Quỳnh.
[Những 'nữ chiến binh' dũng cảm trong cuộc chiến chống 'giặc COVID-19']
Là một khoa nằm trong chuyên ngành hồi sức tích cực, ngay từ những ngày dịch bùng phát rộng ở Thành phố Hồ Chí Minh, Khoa Hồi sức Tim mạch, Viện Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 được giao nhiệm vụ đặc biệt. Ngoài việc thu dung, cấp cứu bệnh nhân, các y, bác sỹ đã đồng hành cùng nhiều khoa khác đào tạo nhân lực cho Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân COVID-19.
Nhận nhiệm vụ, chỉ huy và toàn thể khoa không khỏi lo lắng nhưng cũng thấy thật vinh dự, lập tức bắt tay vào nhiệm vụ. Khoa cắt đặt các nhân lực có năng lực, kinh nghiệm đi đào tạo gấp rút tại lớp “giảng viên” mà đứng đầu là Trung tâm hồi sức tích cực của bệnh viện; tích cực phối hợp cùng các đơn vị khác chuẩn bị nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác huấn luyện.
Nhân viên tại Khoa Hồi sức Tim mạch cũng được biên chế vào các tầng của Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân COVID-19. Ngoài thời gian điều trị và đào tạo tại khoa, các y, bác sỹ tích cực tham gia diễn tập. Những ngày ấy, khoa luôn tấp nập, tinh thần làm việc với công suất 200%, mọi người đều cố gắng hết mình, không quản thời gian và điều kiện cá nhân.
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp Ngô Hoài Thu chia sẻ: Trung tá Đặng Việt Đức, Phó Chủ nhiệm phụ trách Khoa Hồi sức Tim mạch có vợ là một nhân viên thuộc Bệnh viện dã chiến số 5 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ở hậu phương anh vừa sát sao công tác điều trị bệnh nhân, đào tạo, vừa chăm lo công việc gia đình. Có những ca bệnh khó, anh gợi mở, phân tích để có phương án điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
Bám sát, trăn trở trước mỗi ca bệnh, anh mời Thủ trưởng Bệnh viện, thầy Phạm Nguyên Sơn xuống khoa hội chẩn cho bệnh nhân vì đây cũng là một cách học - phải cố gắng tìm ra được nguyên nhân thì mới giải quyết được tốt nhất.Mỗi tối, qua phần mềm Zoom, anh Đặng Việt Đức và các bác sỹ lại tham gia hướng dẫn, giải đáp thắc mắc của đồng nghiệp. Sự động viên, khích lệ kịp thời của anh trên vai trò là chỉ huy đã giúp bác sỹ, điều dưỡng trẻ tự tin và nhiệt huyết hơn trong công việc.
Bác sỹ Đào Quang Thư với biệt danh “Thư từ” do câu cửa miệng “cứ từ từ” giờ đây như con thoi bởi ngoài vị trí “anh cả” trong khoa thì cứ ở đâu có ca khó lại gọi “anh Thư ơi!” Anh thường xuyên truyền đạt kinh nghiệm chuyên ngành hồi sức cho các đồng nghiệp, huấn luyện về thở HFNC (hệ thống oxy lưu lượng cao), thở không xâm nhập, chăm sóc bệnh nhân thở máy, lọc máu liên tục.
Do đặc thù giai đoạn dịch bệnh, người nhà không thể ở cùng bệnh nhân nên các điều dưỡng chăm sóc người bệnh tận tình như người thân. Anh Đào Quang Thư cũng luôn tìm tòi sáng tạo ra các biện pháp cải tiến trong điều trị, chăm sóc bệnh nhân như mua máy massage về hỗ trợ cho các bệnh nhân thở máy, lọc máu.
Khi Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 có lịch đi công tác tăng cường tại phương Nam, tất cả không ai bảo ai đều lặng lẽ chuẩn bị hành trang để sẵn sàng lên đường. Lúc 13 giờ ngày 21/9, Bệnh viện có danh sách hành quân nhưng Khoa Hồi sức Tim mạch chưa được điều động lần này, cảm giác chạnh lòng hiện lên trên nét mặt mỗi nhân viên khi thấy đồng nghiệp khoa khác tíu tít chuẩn bị lên đường.
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp Ngô Hoài Thu kể lại: Chiều muộn hôm ấy, Trần Thị Liễu - một điều dưỡng trẻ đã xung phong chuyển tới khoa khi mới thành lập, đến bên chị thủ thỉ “Cô ơi, nếu có đợt 2, cô đăng ký cho cháu với Thoa và mấy bạn nữa đi cô nhé!”
Bố mẹ Liễu ở Đắk Lắk, anh trai làm ở khu công nghiệp Bình Dương. Khu công nghiệp của anh trai đã thực hiện 3 tại chỗ và tiêm vaccinephòng COVID-19 đầy đủ cho nhân viên, nhưng khi biết anh trai là F1, Liễu đã rất lo lắng. Nhưng cô luôn kìm nén, chỉ thỉnh thoảng mới lánh ra một chỗ gọi điện động viên anh trai với lời lẽ hết sức lạc quan.
Cô bảo “Cháu không muốn để anh cháu bi quan, vì tinh thần lúc này thực sự rất quan trọng.” Vậy nên cô điều dưỡng trẻ muốn xung phong đi vào tâm dịch để được đóng góp một phần sức lực nhỏ bé nhanh chóng dập dịch, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho đồng bào miền Nam, cũng là gián tiếp chăm sóc, động viên anh trai mình.
Mỗi nhân viên Khoa Hồi sức Tim mạch đều đã cống hiến thầm lặng của trong những ngày tháng cả đất nước chống dịch COVID-19 theo những cách của riêng mình. Những y, bác sỹ kể cả những người còn rất trẻ đều xin được cống hiến sức lực vào cuộc chiến của toàn dân với dịch bệnh nguy hiểm này. Yêu lắm những bông hoa thầm lặng tỏa hương của khoa!./.