Đậm chất văn hóa dân tộc trong lễ hội pháo thăng thiên cầu mưa tại Lào

Được coi là một trong những lễ hội có truyền thống lâu đời nhất, vui nhất và lớn nhất trong năm của người dân đất nước Triệu Voi, đó là lễ hội Boun Bangphay, hay còn gọi là Lễ hội cầu mưa.
Sư thầy Bounpon Tathammo đang quấn lại miếng vải trên que dùng để nhồi thuốc cho quả Bangphay tại lễ cầu mưa tại bản Naxone, thủ đô Viêng Chăn. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Đến với đất nước Lào yên bình và mến khách vào những ngày này, du khách không chỉ được khám phá những địa danh nổi tiếng hay thưởng thức những món ăn truyền thống đặc sắc, mà còn có cơ hội được hòa mình vào trong không khí vui tươi của một lễ hội độc đáo, được coi là một trong những lễ hội có truyền thống lâu đời nhất, vui nhất và lớn nhất trong năm của người dân đất nước Triệu Voi, đó là lễ hội Boun Bangphay, hay còn gọi là Lễ hội cầu mưa hoặc Lễ hội pháo thăng thiên.

Lễ hội bắt đầu từ trung tuần tháng 5 Dương lịch (tháng 6 Phật lịch), vào những ngày khác nhau ở các làng khác nhau trên cả nước và rải rác trong suốt một tháng, khi những cơn mưa đầu mùa đã trút xuống nhưng vẫn chưa đủ để giúp những cánh đồng nứt nẻ sau 6 tháng mùa khô có thể đủ nước để người dân cấy cầy, trồng trọt.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Lào về tầm quan trọng của Boun Bangphay đối với người Lào, sư thầy Bounpon Tathammo, huyện Pak Ngeum, thủ đô Vientiane, cho biết là một trong những lễ hội có truyền thống từ rất lâu đời, Boun Bangphay trong tâm thức của người Lào có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống tâm linh, bởi bắn pháo thăng thiên là cách thức để người dân gửi lời cầu xin tới ông Trời, ban cho mưa thuận gió hòa để cây cối tốt tươi, mùa màng phát triển, vạn vật sinh sôi, đem lại sự no ấm cho người dân.

Theo sư thầy Bounpon Tathammo, người Lào quan niệm rằng việc tổ chức Boun Bangphay hằng năm là việc phải làm, bởi nếu không tổ chức, sẽ cảm thấy bất an và không may mắn. Đây là đức tin đã có từ lâu đời và các thế hệ sau phải có trách nhiệm tiếp nối.

Trước Boun Bangphay, mỗi bản tổ chức lễ hội sẽ thành lập một ủy ban phụ trách việc tổ chức, bao gồm mời các làng khác đến tham dự, đề ra các quy tắc và biện pháp an toàn và cuối cùng là công bố phần thưởng cho quả pháo ngoạn mục nhất.

Vào ngày lễ hội, thi pháo sẽ là tiết mục trung tâm hấp dẫn nhất. Pháo phải được làm từ ống tre, bên trong được nhồi thuốc gồm than và diêm sinh rất chặt, đầu được bịt kín.

Điểm lý thú trong tổ chức Boun Bangphay trước đây là ngoài việc phụ trách phần lễ, các nhà sư ở quanh vùng tổ chức Boun Bangphay cũng chính là những người tổ chức, chỉ đạo và chế ra các pháo thăng thiên khổng lồ, được trang trí cầu kỳ để dân trong bản đó rước ổ pháo tới địa điểm phóng để thi, xem pháo làng nào bay xa nhất, cao nhất, thẳng nhất, bởi theo đức tin của người Lào, pháo của gia đình nào, của bản nào có hình thức đẹp, bay cao và bay xa nhất sẽ đem lại may mắn cho chủ, trong khi những quả pháo xịt hoặc không bay cao sẽ bị coi là thiếu may mắn.

Ngày nay, trong thời buổi kinh tế thị trường, ngoài các nhà sư, tại Lào đã có nhiều thợ chuyên làm pháo dịch vụ, điều vừa đảm bảo an toàn, vừa giúp tỷ lệ pháo hỏng, xịt ít hơn.

Anh Xomop Duangkhamsao, một người thợ chuyên làm pháo ở thủ đô Vientiane, chia sẻ để làm các quả pháo thăng thiên chuẩn bằng tre, trước lễ hội 2-3 tháng, người thợ phải chuẩn bị các nguyên vật liệu như ống tre, than, diêm sinh, gậy tre làm đuôi pháo… và phải chọn hết sức kỹ lưỡng trong từng khâu. Một quả pháo chuẩn là ống tre thẳng, đủ dầy, đủ cứng để không bị vỡ khi bắn.

Đuôi thăng bằng cũng phải có độ dài tỷ lệ thuận với cân nặng của quả pháo, nếu không pháo sẽ không bay thẳng, bị lệch và mất phương hướng. Việc nhồi thuốc với tỷ lệ than, diêm sinh và nước sao cho chuẩn cũng là một công đoạn cực kỳ quan trọng.

Khi lễ hội diễn ra, vùng đất cao trên cánh đồng rộng, nơi có những thân to cây rợp bóng mát sẽ được người dân chọn làm địa điểm làm lán và tổ chức bắn pháo. Trong những lán trại dựng tạm này, người ta bật loa thùng hết cỡ, uống bia và nhảy múa mừng lễ hội. 

Trước khi được bắn, pháo được người dân rước tới chùa bản thắp hương cầu cho pháo bay cao, bay xa rồi mới đưa ra khu đặt giàn phóng. Tại đây, người ta sẽ phân loại các quả pháo thăng thiên theo trọng lượng và chiều dài của pháo để phóng pháo trên giàn phóng phù hợp.

Nếu như trước đây, pháo thường chỉ có 3 loại chính là Mừn có trọng lượng trên 10 đến hơn 20 kg và dài 7m; loại Sẻn, có trọng lượng hơn 100 kg dài trên 10m và loại Lạn, có trọng lượng lên tới 500 kg với số lượng rất hạn chế, mỗi lễ hội chỉ vài ba quả.

Trước khi được bắn, pháo được người dân rước tới chùa bản thắp hương cầu cho pháo bay cao.

Ngày nay, do đô thị hóa, mật độ dân cư đông hơn, không gian bắn hẹp hơn và để đảm bảo an toàn không lưu, người ta đã hạn chế phóng hai loại pháo sau, nếu có chỉ bắn ở các khu vực xa đô thị, có không gian trống lớn và cũng chỉ có doanh nghiệp lớn mới đủ tiền bắn. Thay vào đó, người dân thường bắn những loại pháo nhỏ hơn, có trọng lượng từ 3 đến hơn 10 kg.

Những quả Bangphay sau khi được nhồi thuốc và gắn kíp tại chỗ sẽ được người dân gắn lên các bệ phóng có chiều cao, kích thước phù hợp với chiều dài và cân nặng.

Ngày nay, thay vì phải kích hoạt quả Bangphay bằng việc châm ngòi trực tiếp, điều rất nguy hiểm và đã từng nhiều lần gây thương tích cho người châm, người ta dùng điện để kích hoạt quả Bangphay từ xa.

[Lào chuẩn bị mở cửa trở lại ngành du lịch trong điều kiện bình thường]

Tại thủ đô Vientiane, Boun Bangphay ngày nay chỉ được tổ chức tại các bản ở ngoại ô thành phố để tránh gây thiệt hại về người, tài sản và an toàn không lưu.

Nằm cách thủ đô Vientiane chỉ khoảng 50 km, hằng năm bản Naxone, huyện Pakngeum, là một trong những địa điểm thường tổ chức Boun Bangphay lớn nhờ thu hút được nhiều du khách hơn các bản khác.

Sau hai năm bị cấm để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh COVID, năm nay tình hình đã cơ bản được kiểm soát, người dân hết sức vui mừng khi được chính quyền cho phép tổ chức trở lại dù quy mô vẫn rất hạn chế.

Vừa lắc người theo điệu múa hết sức thoải mái, trong khi vẫn vác trên vai một quả Bangphay nặng 6 kg và dẫn đầu cả gia đình đủ các thế hệ vừa đi vừa múa vừa hát trong tiếng nhạc rộn ràng phát ra từ chiếc loa kéo tay dọc theo con đường từ trong bản ra cánh đồng phóng pháo, chia sẻ với phóng viên, ông Souphone Kinda, 71 tuổi, một người dân của bản Naxone, hào hứng cho biết sau hai năm không được tổ chức do COVID, năm nay dù chỉ được tổ chức ở quy mô rất nhỏ, nhưng ông cùng gia đình và người dân bản vẫn vô cùng vui mừng khi được tiếp tục tổ chức, được duy trì truyền thống ngàn đời mà cha ông đã truyền lại.

Dù kinh tế còn khó khăn sau hai năm đại dịch và chỉ có thể làm những quả pháo nhỏ; dù người dự và khách du lịch chưa đông nhưng với ông và người dân bản Naxone, việc được tổ chức lễ hội đã là điều may mắn và sẽ đem lại may mắn cho bản.
Khoảng đầu giờ chiều, sau bữa cơm trưa, cuộc thi phóng pháo bắt đầu.

Các nhóm của mỗi gia đình, mỗi bản kiểm lại kỹ lưỡng lần cuối quả pháo của mình, nhóm nào đã sẵn sàng có thể khiêng ổ pháo tới chân giàn phóng và chờ lệnh của Trưởng ban tổ chức, trước khi gắn pháo lên bệ phóng, họ không quên hô thật to tên bản, tên chùa và tên gia đình của mình.

Sau khi được sự đồng ý của Trưởng ban tổ chức, 3 thành viên khỏe mạnh của nhóm chủ pháo sẽ hết sức thận trọng, từ từ đẩy dần và đưa quả pháo lên từng nấc thang trước khi buộc ổ pháo vào giàn phóng, đầu chĩa thẳng lên trời.

Phía dưới đất, hàng trăm, hàng nghìn con người im lặng, cùng tập trung hướng mắt vào quả pháo. Sau khi được báo pháo đã giá xong và nhóm người lên pháo đã rời xa giàn phóng ở khoảng cách an toàn, Trưởng ban tổ chức mới ra lệnh cho người kích điện để kích hoạt quả pháo.

Xẹt, một luồng lửa phụt ra từ đuôi, tiếp đó là một cụm khói trắng lớn tỏa ra, cả quả pháo to đùng, dài ngoẵng trong chớp mắt đã thoát khỏi giàn phóng và bay vút thẳng lên mây như tia chớp, chỉ thoắt cái đã khuất dạng mất hút trong tầng mây, chỉ để lại làn khói trắng ẩn hiện trên những tầng mây cao tít.

Dưới đất, những người tham dự, đặc biệt là các thành viên của bản, chùa hoặc gia đình chủ pháo, đều hò reo, hú lên một cách vô cùng thoải mái, tất cả đều nâng cốc chúc mừng với niềm tin rằng năm nay gia đình họ, bản của họ, chùa của họ và đất nước họ sẽ gặp may mắn và thành công.

Cứ thế, suốt buổi chiều hôm đó, hàng chục quả pháo các cỡ nhỏ, trung bình đã được phóng lên từ bản Naxone với mong muốn an bình và thuận lợi trong năm tới, để du khách nhanh chóng quay lại và năm sau người dân có thể tổ chức Boun Bangphay với quy mô lớn hơn.

Phần độc đáo của lễ hội cầu mưa Boun Bangphay không chỉ dừng lại ở những màn bắn pháo thăng thiên đầy hấp dẫn, mà lễ hội còn có màn trình diễn những con rối đôi nam nữ đang giao phối.

Điều này không chỉ tạo tiếng cười và thêm màu sắc cho lễ hội mà còn là nét đặc trưng của văn hóa phồn thực, thể hiện mong ước mùa màng sinh sôi nảy nở tốt tươi… Tiếc rằng, năm nay, do tổ chức ở quy mô hạn chế, nên ở bản Naxone không tổ chức màn trình diễn vui nhộn này.

Ngoài ra, du khách và người dân còn có thể thưởng thức các món ăn mang đậm chất cổ truyền của người dân Lào như món côn trùng rang - một đặc sản không thể thiếu trong lễ hội, hay dùng que vẽ lên mặt nhau và tắm bùn vào chiều tối.

Pháo mới bắn được chừng hai giờ đồng hồ, trời đã đổ mưa như trút xuống bản Naxone khiến không khí càng thêm sôi động. Trong tiếng nhạc tưng bừng từ những giàn loa cao vút được bật hết cỡ, mọi người kéo nhau ra trời mưa cùng hát, nhảy, múa.

Tiếng hát, tiếng cười, tiếng hú cùng hòa quyện với những tiếng rít như chớp giật từ những quả pháo liên tiếp bay lên trời trong cơn mưa tầm tã đem lại cho những người tham dự một trải nghiệm khó quên về đất nước, văn hóa và con người của đất nước Triệu Voi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục